Trại thớt Lái Thiêu và những vòng tròn thẳng tiến…

Thứ sáu, ngày 17/12/2021

(BDO) “Ai về chợ Thủ, bán hũ bán ve, bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu...”, câu vè gợi nhớ về những trại thớt ở Lái Thiêu chất đầy gỗ, mạt cưa, dăm bào vương vãi khắp xóm nhỏ, gợi nhớ hình ảnh những chiếc xe đạp chở thớt, cối chày trên những nẻo đường quê, hẻm phố...


Nhiều lao động được bố trí công việc phù hợp tại cơ sở thớt Thanh Điền

Tiếng vọng từ ký ức…

Chúng tôi tìm về cơ sở thớt Thanh Điền (TP.Thuận An) trong nhịp sôi động của những ngày “bình thường mới” vừa trở lại. Theo bản đồ của Google, xe chúng tôi đi vào ngõ nhỏ sâu hun hút. Một em bé đen nhẻm nhưng lanh lợi khác thường đón chúng tôi bằng cái vòng tay lễ phép “cô đợi chút, con đi báo cô Thu, chú Điền!”. Theo điệu nhảy chân sáo của bé gái, chúng tôi đảo mắt một vòng quanh xưởng, không khí tấp nập đang bao trùm. Những gương mặt rạng rỡ, ánh nhìn tươi tắn lấn át cả tiếng động cơ phát ra từ máy móc quanh xưởng khiến chúng tôi ngạc nhiên.

Trái với tưởng tượng của chúng tôi về ông chủ cơ sở sản xuất lâu đời, tiếp chúng tôi một người còn khá trẻ, anh Ngô Minh Điền. Bằng chất giọng đặc trưng, nhẹ nhàng của vùng Lái Thiêu, anh Điền chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những trại thớt Lái Thiêu ngày trước và cơ duyên đến với nghề truyền thống của mình. Nghề thớt du nhập vào Lái Thiêu, Thuận An vào những năm 70 của thế kỷ trước. Vùng đất Lái Thiêu ngày ấy từng là nơi sản xuất thớt gỗ sôi động bậc nhất cả miền Đông Nam bộ. Người dân Lái Thiêu làm ra nhiều sản phẩm thớt gỗ mít, me, xoài… những loại gỗ tốt để làm thớt mang đi giao thương khắp nơi trong khu vực.

Trong ký ức của anh Điền, ngày ấy mỗi trại thớt là một hộ gia đình. Đàn ông làm những việc nặng như cưa, đục, cắt, phụ nữ thì gọt láng, chà nhám. Thanh âm từ những trại thớt vọng ra khắp làng. Nhưng đến những năm đầu thế kỷ XXI, khi nhịp sống hối hả của quá trình đô thị hóa nhanh, những khu, cụm công nghiệp thi nhau mọc lên kéo theo sự mai một của các làng nghề truyền thống. Bất chấp sự mai một của nghề, mỗi ngày, ba anh vẫn còn cặm cụi đục đẽo chà nhám, chở vài ba chục tấm thớt đi khắp chợ trong vùng. Phần vì mưu sinh, phần vì muốn giữ lại cái nghề đã gắn bó, gần gũi bao năm.

Thương ba lớn tuổi không thể đạp đi xa, thương những tiếng đục đẽo vọng ra từ làng, chàng trai đôi mươi ngày ấy quyết định bỏ công việc quản lý trong công ty may nước ngoài với mức lương ổn định để khởi nghiệp. Gọi là khởi nghiệp cho lớn lao thôi nhưng anh giành cái việc đạp xe mỗi ngày đi đến các vùng lân cận. Đôi chân anh vững chãi hơn, đến những vùng xa hơn, sầm uất hơn. “Đêm tôi thay ba đục đẽo, chà nhám để ra những tấm thớt kịp thời gian đi chợ. Cứ 5 giờ sáng tôi lại đạp xe xuôi về chợ Lớn, chợ Biên Hòa để chào hàng. Ban đầu do chưa làm ăn với mình, tiểu thương thẳng thừng từ chối. Nhưng tôi cứ lặng lẽ để lại hàng mẫu và đợi… Và, những mối làm ăn đó tôi giữ cho đến tận bây giờ”. Qua từng lời của anh, tôi hiểu rằng, nếu không có tình yêu nghề và níu giữ giá trị văn hóa của nghề chắc anh đã không chọn ngã rẽ, bởi sự vất vả, nhọc nhằn bủa vây.

Cứ miệt mài như thế đến những năm 2009, cơ sở thớt Thanh Điền chuyên sản xuất các sản phẩm dụng cụ nhà bếp như thớt gỗ, cối chày, đũa... từ gỗ tái sinh được thành lập. Qua thời gian, sản phẩm của cơ sở thớt Thanh Điền đã phủ sóng khắp các tỉnh, thành trong cả nước và vươn ra thị trường quốc tế. Ký ức về những trại thớt của làng nghề Lái Thiêu ngày xưa là động lực để chủ cơ sở thớt Thanh Điền giữ lửa, phát triển nghề.

Từ những thớ gỗ xà cừ, tràm… của những cánh rừng tái sinh Phú Yên, Lâm Đồng qua các công đoạn cưa, xẻ, sấy, chà nhám, tạo hình, đóng gói tại cơ sở Thanh Điền bằng những công nghệ CNC đã cho ra những sản phẩm nhà bếp ưu việt. Cơ sở luôn phấn đấu để từng bước thay đổi công nghệ sản xuất, giảm bớt công đoạn thủ công để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm. Với bước tiến lớn là thị trường châu Âu, cơ sở đã khẳng định được chất lượng của sản phẩm trên những dụng cụ trưng bày thức ăn, trang trí tiệc ngoài trời đến các vật dụng nhà bếp bằng gỗ. Trước đó, để bước vào thị trường châu Âu, cơ sở phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về an toàn sản phẩm, độ tinh xảo và tính ứng dụng cao. Các vật dụng của cơ sở Thanh Điền ngày càng được thị trường ưa chuộng và tin tưởng.


Anh Ngô Minh Điền, chủ cơ sở sản xuất thớt Thanh Điền  

Điều anh Điền trăn trở là hiện nay là các cơ sở sản xuất tồn tại dưới hình thức hộ kinh tế gia đình ít có khả năng mở rộng sản xuất do việc quy hoạch phát triển nghề phải đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng và từng địa phương. Anh cho biết, cứ mỗi lần xây dựng kế hoạch chọn nơi khác để mở rộng sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường anh lại canh cánh nỗi lo liệu những công nhân yếu thế của anh có di chuyển được theo anh và họ sẽ về đâu!

Sống để yêu thương

Với hơn 50 công nhân lao động, đi qua mùa dịch bệnh Covid-19, cơ sở thớt Thanh Điền vẫn giữ được hoạt động và phát triển. Nói về chồng mình, chị Nguyễn Thị Thu cho biết 3 tháng dịch bệnh cao điểm anh Điền bám trụ lại xưởng, tự tay nấu từng bữa ăn, mua từng viên thuốc, lo từng giấc ngủ cho công nhân. Đặc biệt nơi đây luôn ấm áp tình thương, ông chủ cơ sở thớt chăm lo công nhân như chính người thân. Anh luôn tạo điều kiện cho những người yếu thế được tham gia những công việc nhẹ nhất để tạo niềm vui sống. Chỉ tay về phía cô Cao Thị Dịu, trạc tuổi 50, đang yếu ớt nâng từng tấm thớt, anh Điền cho biết cô bệnh tiểu đường rất nặng, tai biến nhẹ. Vào đây, cô chỉ có thể ngồi xếp từng tấm thớt và ngại tiếp xúc với người lạ. “Thật ra công đoạn này người khác làm tốt hơn nhưng tôi muốn tạo điều kiện cho cô đến xưởng để vơi bớt cảm giác mình đau ốm”, anh Điền tâm sự. Vậy mà mới đây báo với chúng tôi, anh Điền cho biết cô Dịu đã ra đi vì nhiễm Covid-19. Cô mất đi để lại con nhỏ 14 tuổi, anh sẽ cưu mang…

Giới thiệu với chúng tôi cậu bé tầm 12 tuổi, cầm chổi quét dọn trong ngoài khu vực xưởng, anh cho biết nuôi cậu bé mấy năm nay. “Ban đầu nó nghiện game, tôi phải quy định mỗi ngày được chơi 1 tiếng trước giờ đi ngủ. Ban ngày cầm chổi quét dọn xưởng, có khách mời nước, mở cửa để xe xuất hàng. Bây giờ ngoan lắm, biết giữ tiền lương đàng hoàng. Tôi trả lương 5 triệu đồng/ tháng. Mình không cứu nó, ra đường hư hỏng, cuộc đời sẽ đi về đâu”, anh Điền cho biết thêm

Nhìn thân hình nhỏ thó của cậu bé so với tuổi 16 của mình tôi hiểu những điều anh nói xuất phát tận tấm lòng. Cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, cô bé nhỏ nhắn theo mẹ đến xưởng lúc nãy chen ngang “cô Thu cũng cho con lương nữa”. Thì ra là bé theo mẹ đến xưởng vì ở phòng trọ không người trông coi. Vào đây được học online, vừa làm những việc lặt vặt và được trả lương tháng… 1 triệu đồng.

“Đời người ai cũng sống có một lần, không biết dài vắn thế nào. Ai cũng cần cơm ăn áo mặc. Mình đã có miếng cơm ăn thì cố mà tạo điều kiện cho người khác sống tốt hơn trong khả năng của mình. Tôi sản xuất không chỉ vì lợi nhuận mà vì sự sinh tồn của những người yếu thế. Những công việc mà máy móc có thể làm thay được tôi đều cố gắng đầu tư để giảm thiểu lao động nặng cho công nhân. Đi qua mùa dịch bệnh rồi tôi càng thấy không có gì quý trọng hơn sức khỏe và tính mạng con người. Tôi có sức khỏe để hỗ trợ người khác là phần thưởng lớn nhất mà tôi có được”, anh Điền chậm rãi nói.

TIỂU MY