Trải nghiệm thú vị cùng heo đất Lái Thiêu
(BDO) Về TP.Thuận An, sau khi thưởng ngoạn các món đặc sản miệt vườn dưới những tán cây ăn trái xanh mướt, du khách thường không quên ghé thăm làng nghề heo đất ở Lái Thiêu để cùng trải nghiệm và “tậu” các sản phẩm ưng ý mang về làm quà cho người thân...
Bà Lê Thị Thu Sương (bên phải) vẫn miệt mài tô điểm cho heo đất của cơ sở
Trải nghiệm cùng heo đất
Nghề làm heo đất là một trong những ngành nghề truyền thống có mặt lâu đời trên vùng đất Lái Thiêu. Trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề này vẫn được các thế hệ sau gìn giữ và phát triển. Nay làng nghề còn đóng góp cho du lịch Bình Dương bằng những hoạt động trải nghiệm đầy thú vị.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Thu Sương, chủ cơ sở heo đất Thu Sương (khu phố Long Thới, phường Lái Thiêu) cho biết, hàng năm cơ sở đón tiếp hàng chục đoàn du khách đến tham quan và trải nghiệm các công đoạn làm heo đất dưới sự hướng dẫn của những người thợ. Có người thích tự mình đổ khuôn tạo hình heo đất. Có người thích vẽ màu, trang trí cho heo đất thật xinh đẹp và chọn mua làm quà tặng cho người thân. Thấy khách thích thú vui cười, bà Sương cũng vui lây vì nghề truyền thống này chưa mai một.
Gia đình bà Sương làm heo đất từ nhiều đời nay, nên các công đoạn làm heo đất như đã ngấm vào máu của bà từ thuở nhỏ. Năm nay dù đã 53 tuổi nhưng lửa nghề trong bà Sương dường như vẫn còn hừng hực cháy. Bà Sương nói: “Còn khỏe sẽ còn làm hoài để gìn giữ nghề gia đình và mang thêm nụ cười cho du khách. Trẻ con nhận heo đất đứa nào cũng tủm tỉm cười như sắp cất giữ nhiều bí mật, vun vén nhiều ước mơ cho riêng mình. Vì thế, tôi làm hoài để heo đất mang niềm vui đến mọi người”.
Rời cơ sở heo đất Thu Sương, chúng tôi ghé qua cơ sở heo đất Chú Hậu ở gần đấy. Dù đến đâu, chúng tôi đều thấy heo đất xứ này luôn được những người thợ lành nghề nâng niu, chăm chút rất chu đáo. Cũng như các cơ sở heo đất trong xóm, cơ sở heo đất Chú Hậu vừa sản xuất, kinh doanh vừa đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan trải nghiệm. Ông Nguyễn Trung Tâm, chủ cơ sở cho biết vào những dịp hè, các đoàn du khách là học sinh đến khá đông. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, cơ sở có rất nhiều khu vực để khách trải nghiệm, chiêm ngưỡng nhiều kiểu dáng heo đất. Đến đây, khách sẽ được hướng dẫn vẽ trang trí heo đất theo kiểu truyền thống, kiểu các nhân vật hoạt hình hay kiểu nhũ vàng. Từ các màu sơn và nét cọ, những đôi bàn tay nhỏ xíu của các em học sinh đã tạo nên những chú heo với những hoa văn đầy ngộ nghĩnh. Những đứa trẻ khéo tay còn vẽ thêm những nhân vật hoạt hình như: Doraemon, Pikachu, mèo Tom…
Đổi mới để trụ vững
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên các cơ sở heo đất ở Lái Thiêu cũng thưa vắng khách tham quan. Tuy nhiên, không khí tại các cơ sở vẫn đầy tiếng nói cười phấn khởi của những người thợ. Với họ, khách thưa vắng thì buồn nhưng trong lòng họ luôn vui vì tình cảm khách dành cho heo đất không hề vơi.
Ông Nguyễn Trung Tâm cho biết thêm, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên số lượng đơn hàng xuất khẩu sang các nước Campuchia, Malaysia cũng ngừng trệ. Dù gặp khó khăn với thị trường xuất khẩu nhưng thị trường nội địa vẫn rất sôi động tuy có phần không bằng những năm trước. Vì thế, mỗi ngày tay người thợ cơ sở vẫn thoăn thoắt với các công đoạn, như: Sơn phủ, vẽ trang trí, đóng gói… để heo đất đến tay người tiêu dùng. Và cũng trong những ngày tháng khó khăn này, ông Tâm cũng đang ấp ủ kế hoạch mở rộng và cải tạo cơ sở để có thêm khu vực cho du khách trải nghiệm. Theo đó, cơ sở sẽ có thêm khu vực phục vụ theo mô hình quán cà phê heo đất. Khách vừa tham quan các tác phẩm heo đất, vừa trải nghiệm các công đoạn làm heo đất, vừa được phục vụ các món thức uống độc đáo của Lái Thiêu…
Với cách nghĩ, cách làm đầy tâm huyết với nghề, với du lịch Bình Dương, hy vọng rằng ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi, tình hình kinh tế khả quan, ông Tâm sẽ thực thi được kế hoạch mở rộng cơ sở và đi vào hoạt động hiệu quả. Qua đó, tạo thêm dấu ấn cho các làng nghề truyền thống trong tỉnh, góp phần thúc đẩy du lịch Bình Dương ngày càng phát triển hơn.
Làng nghề heo đất ở Lái Thiêu không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Để làng nghề truyền thống này phát triển ổn định, bền vững, các ngành, các cấp trong tỉnh đã và đang cùng nhau nghiên cứu và thực hiện nhiều đề án, dự án khả thi, qua đó giúp các cơ sở yên tâm tiếp tục sản xuất, kinh doanh và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. |
THỤC VĂN