Trải nghiệm cùng gốm

Thứ tư, ngày 22/05/2019

(BDO) Trong buổi khai mạc triển lãm gốm sứ lần này còn có không gian để trải nghiệm công việc làm gốm sứ cho khách tham quan. Anh Lý Phương, một nghệ nhân gốm hiện làm việc tại gốm sứ Minh Long cho biết cách làm ra một sản phẩm gốm sứ khó khăn như thế nào…

Anh Lý Phương (ở Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một), cho biết là đời thứ 3 của lò gốm Lý Lực vùng Chánh Nghĩa nổi tiếng ngày xưa. Là người Việt gốc Hoa, ông bà anh đã xây dựng lò gốm tại vùng đất này từ năm 1932 và theo suốt từ đó đến nay như một nghề truyền thống của gia đình. Sau này, lò gốm giải thể chuyển về TX.Tân Uyên, anh đầu quân cho Công ty Gốm sứ Minh Long. “Coi như tôi đi suốt cả chặng đường từ gốm truyền thống đến gốm sứ hiện đại. Sản phẩm nào cũng có nét đặc sắc, độ tinh xảo riêng mà ai yêu gốm sẽ thấy được. Vì một sản phẩm gốm sứ với tôi luôn có hình tượng, tình cảm, câu chuyện kể trong đó, nó gắn với đời sống của từng gia đình”, anh Phương chia sẻ.

Để có được một sản phẩm gốm phải trải qua rất nhiều giai đoạn từ lựa chọn loại đất phù hợp, làm hồ, nhồi đất sét, tạo hình, phơi, nung, tráng men, vẽ trang trí… Những sản phẩm gốm đơn giản từ cái tô, chén, bình cắm hoa cũng phải có hoa văn thật sinh động, bắt mắt mới thu hút được người mua. Anh Phương cho biết lò gốm của gia đình anh ngày xưa là kiểu lò có 40 tầng. Việc đun củi sao cho gốm chín đều cũng không hề dễ dàng. Bởi không đủ lửa, gốm sẽ “sống”, lửa quá già thì gốm bị cháy đen. Một mẻ gốm ra lò hoàn hảo mới coi như thành công nhưng cũng phải hư hao phần nào chứ không thể “chín” hoàn toàn được. “Có một điều mà người làm gốm nào cũng cần phải biết là nắm bắt thị hiếu khách hàng. Một mẻ gốm xong thành phẩm thường có ba phần. Phần đẹp nhất (ở giữa lò) chúng tôi thường chọn thị trường thành phố. Phần gốm non, trắng hơn chút là chở bằng thuyền đi miền Tây. Phần già lửa, hơi đen chút thì thị trường miền Trung lại ưa chuộng. Đó là cách mà chúng tôi đã phân phối sản phẩm hàng chục năm qua. Nói để biết rằng, làm ra sản phẩm gốm sứ không dễ và tìm thị trường bán càng khó khăn hơn nữa nhưng nghề cha truyền con nối và đam mê với đất với gốm nên chúng tôi mong sao sản phẩm gốm sứ luôn được người tiêu dùng lựa chọn”, anh Phương tâm sự.

Anh cũng cho biết rất vui khi được mời tham dự triển lãm gốm sứ lần này. Đây là dịp để quảng bá, tôn vinh nghề gốm. Là dịp để những người trong nghề biết nhau, học hỏi giao lưu cùng nhau.

Một trăn trở nữa của anh Phương là học sinh tỉnh nhà ít có cơ hội tiếp xúc với việc làm gốm sứ, nghề truyền thống này hơn học sinh những nơi khác. Tại khu trải nghiệm làm gốm của Minh Sáng Plaza, thường anh Phương đón, hướng dẫn cho học sinh đến từ các tỉnh, thành khác. Tại Bình Dương chỉ có vài trường cho học sinh đi học kiểu ngoại khóa để tìm hiểu ngành nghề này.

HƯƠNG CẦN