Trái cây có múi Bắc Tân Uyên đã có chỗ đứng trên thị trường

Thứ hai, ngày 23/09/2019

(BDO)  Huyện Bắc Tân Uyên đang đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông sản của địa phương, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.

 Chất lượng nâng lên rõ rệt

Những năm qua, huyện Bắc Tân Uyên đã phát triển mạnh vùng chuyên canh cây ăn quả có múi, với khoảng hơn 2.000 ha, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã dọc theo sông Bé và sông Đồng Nai, được áp dụng kỹ thuật tiên tiến nên đạt năng suất cao, chất lượng tốt và sản xuất theo hướng hàng hóa, giá trị đạt khoảng 600 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, tùy theo từng loại cây. Năm 2017, sản phẩm bưởi, cam đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

 Sản phẩm trái cây có múi được trồng theo phương pháp hữu cơ tại HTX Nhân Đức, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên

Nhằm bảo đảm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp của huyện, năm 2017, UBND huyện đã lập dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể quýt Bắc Tân Uyên cho sản phẩm trái quýt. Đến năm 2019, sản phẩm quýt được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đây là một bước tiến lớn của trái cây nói chung và sản phẩm quýt Bắc Tân Uyên nói riêng, là tiền đề để trái cây có múi của Bắc Tân Uyên từng bước đi xa hơn với các thị trường.

Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển cây ăn quả có múi, huyện Bắc Tân Uyên cũng đã tổ chức và phát động hội thi “Trái cây có múi 5 sao” năm 2019. Qua đó, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và quảng bá trái cây có múi Bắc Tân Uyên đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong cả nước, tạo môi trường giao lưu, trao đổi, đóng góp những kinh nghiệm trong sản xuất, biểu dương, khen thưởng các cá nhân điển hình tiêu biểu, xuất sắc. Bà Trần Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết qua hội thi có thể khẳng định chất lượng trái cây có múi ngày một tăng lên. Người sản xuất trên địa bàn huyện đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn trong trồng trọt để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Số lượng trang trại, hộ sản xuất áp dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn hữu cơ nâng lên rõ rệt…

Thị trường đã mở rộng

Theo Phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, thời gian qua hoạt động xúc tiến thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của huyện đã có nhiều bước phát triển, giúp bà con nông dân yên tâm canh tác, mạnh dạn đầu tư sản xuất cây ăn trái có múi và thu được hiệu quả kinh tế khá cao, mang lại hiệu ứng tích cực đến người dân trên địa bàn huyện.

Hiện nay, bà con đã quan tâm hơn đến việc phát triển thị trường, tìm đầu ra ổn định cho trái cây có múi. Nhiều trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã có doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu. Đơn cử như trang trại Đoàn Minh Chiến đã có hợp đồng tiêu thụ tại Singapore đối với sản phẩm bưởi. Tuy số lượng chưa lớn, lợi nhuận chưa cao nhưng là niềm vui lớn đối với chủ trang trại khi sản phẩm trái cây có múi đã bước đầu thâm nhập vào thị trường xuất khẩu khó tính trong khu vực.

Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, ông Trần Thành Có, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tâm Đức, xã Hiếu Liêm, cho biết các hộ trong hợp tác xã tuân theo quy trình sản xuất hữu cơ nghiêm ngặt, sản phẩm tạo được niềm tin cho khách hàng. Sản phẩm hữu cơ của Hợp tác xã Tâm Đức có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả cao hơn so với thị trường. Sản phẩm được kiểm tra, đánh giá theo mỗi chu kỳ sản xuất hữu cơ qua 3 tháng/lần của Hiệp hội hữu cơ trong nước và nước ngoài. Sản phẩm hữu cơ của hợp tác xã cũng được giới thiệu đến các cửa hàng ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện nay, năng suất bình quân của vườn cây trong hợp tác xã đã nâng lên 50 tấn/ha, mang lại thu nhập cao cho các xã viên. Tổng doanh thu của hợp tác xã trung bình đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Nhân Đức đang trồng thí điểm 26 ha mít thái, chuẩn bị cho thu hoạch.

Theo bà Trần Thị Minh Hạnh, huyện đã mời gọi doanh nghiệp, siêu thị đến và làm việc với các hộ sản xuất, trang trại, hợp tác xã nhằm phát triển chuỗi sản xuất tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương. Bà Hạnh cũng mong muốn các ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện kết nối, đưa nông sản của Bắc Tân Uyên đến các hội chợ trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

 Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh - Sở Công thương, dự kiến trong tháng 10-2019, trung tâm sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu 2019, trong đó có nội dung đẩy mạnh kết nối các sản phẩm nông nghiệp địa phương, trái cây có múi Bắc Tân Uyên.

 TIỂU MY