Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở do UBND cấp xã quản lý về phòng cháy chữa cháy
(BDO) Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2020/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, trong đó quy định cụ thể danh mục các cơ sở do UBND cấp xã quản lý về PCCC. Để quy định cụ thể, đầy đủ các nội dung quản lý nhà nước về PCCC, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31-12-2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-2-2021).
Người đứng đầu cơ sở cần chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Một buổi huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở tại Trung tâm Aeon Mall Bình Dương Canary
Theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 10-1-2021, có 17 loại hình hoạt động cơ sở thuộc danh mục quy định sẽ lần đầu tiên được đưa vào thuộc diện quản lý về PCCC thẩm quyền của UBND cấp xã quản lý, điển hình như: Nhà trọ cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000m3; nhà tập thể cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500m3; nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300m2…
Trên cơ sở đó, người đứng đầu cơ sở do UBND cấp xã, phường, thị trấn quản lý về PCCC có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung sau theo quy định, như:
- Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 149/2020/TT-BCA (trong đó, nội quy và biện pháp về PCCC của cơ sở do người đứng đầu cơ sở ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật PCCC và phù hợp với đặc điểm, tính chất của cơ sở).
- Có phương án chữa cháy được người đứng đầu cơ sở phê duyệt (theo Mẫu số PC17 thuộc Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).
- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có quy định và phân công người có chức trách, nhiệm vụ PCCC (người đứng đầu cơ sở ban hành quyết định).
- Trường hợp cơ sở cũng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP phải có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.
- Bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 41 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và duy trì điều kiện này trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Thực hiện quy định của pháp luật về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC khi cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của cơ sở, hạng mục cơ sở ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại điểm b khoản 5 Điều 13 Nghị định số 136/2020/ NĐ-CP. Tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý vi phạm hành chính về PCCC, quyết định tạm đình chỉ hoạt động, quyết định đình chỉ hoạt động, quyết định phục hồi hoạt động của cơ quan có thẩm quyền. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nội quy, quy định, kiến thức và kỹ năng về PCCC cho các cá nhân trong phạm vi quản lý; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC. Tạo điều kiện, khuyến khích cá nhân tình nguyện tham gia PCCC theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho người làm nhiệm vụ PCCC tại cơ sở theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
- Tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, Điều 8 Thông tư số 149/2020/TT-BCA, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2009 “Phương tiện PCCC cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng” và các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác có liên quan; lưu trữ các tài liệu ghi nhận kết quả tự kiểm tra an toàn về PCCC; khắc phục kịp thời nguy cơ phát sinh cháy, nổ.
- Bảo đảm các điều kiện cần thiết, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ sở theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 149/2020/TT-BCA. Kịp thời báo cháy; chỉ huy chữa cháy tại cơ sở khi lực lượng Cảnh sát PCCC chưa đến hiện trường cháy; tổ chức hoặc tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy, nổ theo quy định; báo cáo cơ quan có thẩm quyền về vụ cháy, nổ. Lập, lưu giữ và tổ chức cập nhật, bổ sung hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC của cơ sở theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Thông tư số 149/2020/TT-BCA. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC, sử dụng kinh phí PCCC đúng mục đích.
TÂM TRANG - TRA VÕ