Trách nhiệm cụ thể, không dễ đổ thừa!
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 135/2003 “Kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật” nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản tại thời điểm ban hành, quy trách nhiệm cụ thể của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật. Đây là việc làm cần thiết, tránh tình trạng đổ lỗi cho nhau, né tránh trách nhiệm khi có xảy ra “sự cố” hoặc nhận lỗi chung chung!
Thông qua phát hiện mà kịp thời đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới thay thế... dự thảo nghị định này còn quy định rõ việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất mà xác định mức độ lỗi của người, cơ quan kể cả bộ phận tham mưu giúp việc ban hành ra văn bản trái pháp luật gây hậu quả đối với xã hội. Cơ quan ban hành phải xác định rõ trách nhiệm của tập thể, trách nhiệm của người đứng đầu; đặc biệt đối với cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Thực tế như bấy lâu nay, cơ chế hành chính thường phụ thuộc phần lớn vào vai trò của đội ngũ tham mưu giúp việc; vì vậy vẫn còn tình trạng một số vị lãnh đạo đã không ký vào văn bản nếu như thấy “thiếu chữ ký nháy” của người đứng đầu bộ phận giúp việc tham mưu. Những tưởng thế là chặt chẽ, nếu khi xảy ra “sự cố” cần xem xét quy trách nhiệm cụ thể thì chẳng dễ chút nào! Có người mạnh miệng: chính bộ phận tham mưu phải chịu trách nhiệm vì trực tiếp nắm rõ thông tin, bám sát cơ sở, tiếp cận hồ sơ, soạn thảo văn bản...; nếu sai ở công đoạn này thì phải gánh lấy trách nhiệm là điều tất nhiên! Cũng có quan điểm khác cho rằng: chính người ký ban hành văn bản phải chịu trách nhiệm; bởi vì chữ ký “nháy” hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Mặt khác, chính người ký ban hành văn bản là người nghe trình bày toàn bộ sự việc từ đội ngũ giúp việc; chính họ sử dụng, đặt lòng tin vào tham mưu nào, quyết định chọn lấy ý kiến nào... đều do người đứng đầu “quyết”! Thế nên “dám” ký ban hành văn bản có nội dung trái luật thì phải dám chịu, chẳng thể đổ lỗi cho ai; kể cả khi gặp tình huống dở nhất; vì “mũi dại, lái chịu đòn”!
Dự thảo nghị định thay thế lần này ngoài việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật còn xác định rõ trách nhiệm của người lãnh đạo. Vì vậy, cần cẩn trọng, xem xét kỹ trước khi đặt bút ký ban hành một văn bản pháp luật.
THANH NHÀN