Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân xâm phạm
Những năm trở lại đây, với sự phát triển công nghệ, một số cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên không gian mạng. Điều kiện xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm được quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”; và tại Điều 592 BLDS 2015 quy định “1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; c) Thiệt hại khác do luật quy định”.
Như vậy, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm bao gồm các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, có thiệt hại thực tế. Đây là điều kiện tiên quyết, nếu không có điều kiện thiệt hại xảy ra trên thực tế thì sẽ không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
Thứ hai, có hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người thông qua hành động hay không hành động trái với các quy định của pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích cụ thể.
Thứ ba, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái phạm pháp luật gây ra thiệt hại và thiệt hại thực tế.
Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và nói riêng. Nhưng muốn xác định được căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần phải xác định được các điều kiện sau đây: Có thiệt hại xảy ra trên thực tế, có hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra trên thực tế và có yếu tố lỗi đối với người gây ra thiệt hại. Trên thực tiễn, để giải quyết những vụ việc đó xảy ra ngày càng nhiều, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, mà pháp luật không quy định, rõ ràng, cụ thể sẽ khó khăn trong việc giải quyết những vụ việc và hoàn thiện về pháp luật liên quan những vụ việc đã xảy ra trên thực tế.
Vì vậy, bất kỳ cá nhân nào có hành vi trái pháp luật như xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, thậm chí là vu khống, làm nhục làm ảnh hưởng đến quyền nhân thân được hiến pháp và pháp luật bảo vệ thì phải cung cấp chứng cứ, chứng minh yêu cầu tòa án giải quyết về buộc người xâm phạm xin lỗi công khai, cải chính và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Ở nội dung trên, nếu chủ thể xâm phạm lấy hình ảnh của chủ thể bị xâm phạm nhằm mục đích không tốt thì căn cứ vào khoản 3 Điều 34 BLDS 2015 quy định: “Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ”.
Tổng quát lại, căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm chỉ còn ba điều kiện, đó là: Phải có thiệt hại thực tế xảy ra; phải có hành vi trái pháp luật và phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Đặc biệt là BLDS 2015 không còn quy định yếu tố “lỗi” là một trong các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nữa nhưng lại góp phần làm cơ sở để có thể áp dụng mức bồi thường dựa vào ý chí thực hiện hành vi là cố ý hay vô ý.
HỘI LUẬT GIA TỈNH BÌNH DƯƠNG