Trả nghĩa thầy cô bằng sự trưởng thành…
Người Việt, từ ngàn xưa cho đến tận mai sau, tôi tin chắc một điều, dù bao vật đổi sao dời thì hai tiếng thầy cô luôn có một chỗ đứng thiêng liêng trong trái tim mỗi người. Một dân tộc có bề dày truyền thống hiếu học, một dân tộc tôn thờ chữ nghĩa thì bao giờ cũng vậy, nhà giáo, nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và, đa phần những ai chọn nghiệp “chèo lái con thuyền tri thức” đều muốn vươn đến sự thanh cao trong nghề nghiệp, đời người.
(BDO)
Tháng 11 về, ngày 20 đến. Hơn lúc nào hết, hôm nay là ngày cao điểm để học sinh, phụ huynh thể hiện tình cảm chân thành nhất, ghi công những người làm nghề truyền đạt tri thức cho con em mình. Và nhà giáo, nghề giáo, mục đích tối thượng vẫn là dạy dỗ các thế hệ học trò thân yêu hoàn thiện nhân cách, nắm vững tri thức để trở thành người có ích cho xã hội. Thành quả lớn nhất của nhà giáo, nghề giáo chắc chắn phải là sự trưởng thành của học trò về mọi mặt. Có gì viên mãn hơn đối với một người làm nghề giáo khi biết được rằng những học sinh thân yêu mình đã dạy dỗ, những thế hệ học trò mình đã dìu dắt trưởng thành, tạo lập sự nghiệp, đóng góp hữu ích cho gia đình, xã hội.
Bởi vậy, trao nhau tình cảm, gửi lời tri ân tự trái tim mình, vậy là đủ. Tôi tin chắc rằng, lớp lớp nhà giáo Việt Nam từ đời xưa cho đến hôm nay cũng chỉ cần có vậy. Xã hội dù có đổi thay và ai đó nghĩ rằng vật chất cao hơn tình cảm, thay lời cảm ơn, thay sự tri ân chân thành đối với thầy cô giáo bằng “sức nặng” của hiện vật, hiện kim có khi lại là sự xúc phạm đối với số đông các nhà giáo.
Nghề giáo, nhìn vào thực tế vẫn còn đâu đó có những nhà giáo phi đạo đức, tự thân họ chà đạp lên sự thanh cao nghề nghiệp. Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là sự cống hiến miệt mài vì sự nghiệp trồng người không toan tính thiệt hơn. Các thế hệ nhà giáo, từ thành thị đến nông thôn, từ biên cương đến hải đảo luôn dốc lòng cho sự nghiệp phấn trắng, bảng đen, canh cánh nỗi lòng vì con chữ của các thế hệ học trò.
Suốt nhiều ngày qua và đặc biệt là hôm nay, cả nước cũng như Bình Dương phong phú các hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đó là truyền thống, là đạo nghĩa con chữ, ơn thầy của bao thế hệ người Việt rất đáng tự hào, duy trì mãi mãi. Xã hội có đổi thay, nền giáo dục có biến thiên đến cỡ nào, song nét đẹp tôn sư trọng đạo không hề thay đổi
TRIỆU PHONG