Trả lời pháp luật ngày 29-9

Thứ hai, ngày 29/09/2014

(BDO)  Hỏi: Tôi làm việc tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên từ tháng 5-2012. Đầu tháng 7-2014, tôi bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động dưới hình thức xử lý kỷ luật là sa thải. Lý do sa thải công ty đưa ra là tôi không hoàn thành công việc đúng tiến độ, tuy nhiên trên thực tế tôi luôn hoàn thành tốt các công việc được giao. Tôi không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật sa thải của công ty. Xin hỏi, trong trường hợp này tôi phải làm như thế nào?

ĐÀO VĂN T. (TX.Tân Uyên)

Trả lời: Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

- Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng. Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Như vậy, nếu bạn bị công ty xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải mà không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì bạn có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải trước khi yêu cầu tòa án giải quyết hoặc trực tiếp khởi kiện tranh chấp lao động ra tòa án.

* Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động:

- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 6 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

- Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

* Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của tòa án:

- Thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

- Thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở.

Hỏi: Tôi làm việc tại công ty trong Khu công nghiệp VSIP và nghỉ chế độ thai sản từ tháng 1-2014. Tháng 6-2014 vừa qua, công ty gọi tôi thông báo và đưa cho tôi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với tôi với lý do công ty thu hẹp sản xuất nên cần phải tinh giảm lao động. Từ đó đến nay tôi vẫn ở nhà nuôi con và chưa tìm được việc mới. Tôi xin hỏi, việc công ty cho tôi nghỉ việc như vậy có đúng theo quy định pháp luật không? Nếu việc công ty cho tôi nghỉ việc là sai thì quyền lợi của tôi như thế nào?

NGÔ THị H. (huyện Bắc Tân Uyên)

Trảlời: Điều 39 Bộ luật Lao động quy định trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi:

- Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục;

- Người lao động đang nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý;

- Lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

- Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

Căn cứ vào quy định trên thì việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn là trái với quy định của pháp luật.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, hướng dẫn bạn làm đơn khởi kiện vụ việc tranh chấp hợp đồng lao động tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở để được xem xét giải quyết theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012:

- Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

- Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường theo quy định người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động.

- Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường là ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và trợ cấp thôi việc theo quy định, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

- Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường theo quy định, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

- Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG