Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu: “Cơn sốt” không xuất phát từ mất cân đối cung – cầu
Đại biểu Trần Du Lịch: Năm 2010 vấn đề quan trọng nhất là tỷ giá, có thể gây bất ổn định vĩ mô...
Hôm qua (17-11), Quốc hội bắt đầu bước vào phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu là thành viên đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Trách nhiệm của Thống đốc và ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ lãi suất (HTLS), điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá; thị trường ngoại hối và đặc biệt là trách nhiệm của ngân hàng trước cơn sốt vàng và sự lãng phí khi phát hành tiền xu...
Triển khai HTLS vẫn còn hạn chế
Về hiệu quả triển khai cơ chế HTLS trong gói kích cầu thứ nhất, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, ngoài phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai cơ chế HTLS và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, NHNN thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình triển khai trên phạm vi cả nước đề kịp thời nắm bắt và xử lý những khó khăn, vướng mắc phù hợp với tình hình thực tế. Tính đến ngày 31-10, dư nợ cho vay HTLS đạt 438.742,19 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay HTLS của ngân hàng thương mại và công ty tài chính là 413.205 tỷ đồng.
Trước một số câu hỏi của đại biểu về việc có hay không tiêu cực xảy ra trong quá trình cho vay HTLS, Thống đốc nhận định có những sai phạm diễn ra khi cho rằng: “Qua thanh tra, kiểm tra của NHNN và tự kiểm tra của tổ chức tín dụng cho thấy những tồn tại và sai sót đã được phát hiện, chủ yếu là trong hoạt động cho vay thông thường, một số khoản cho vay thực hiện chưa đúng quy định về HTLS”. Cũng theo ông Giàu, NHNN đã kiến nghị thu hồi 46 tỷ đồng tiền lãi đã hỗ trợ và phần lớn vi phạm, tồn tại đã được các tổ chức tín dụng chỉnh sửa ngay sau khi có kết luận kiểm tra, đến nay số tiền HTLS còn phải thu hồi là 0,9 tỷ đồng.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng thừa nhận, tuy được thế giới đánh giá cao và thực tế, gói HTLS cũng được xem là giải pháp kích thích kinh tế tối ưu phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhưng trong quá trình triển khai, cơ chế HTLS cũng bộc lộ một số mặt chưa tích cực. “Một số quy định liên quan đến việc thực hiện cơ chế cho vay HTLS đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 497/QĐ-TTg chậm được hướng dẫn, xử lý nên kết quả đạt thấp; cơ chế HTLS được triển khai trong ngắn hạn, trên phạm vi cả nước, đối tượng thụ hưởng rộng, gây khó khăn cho công tác thanh tra, giám sát...”, Thống đốc thừa nhận.
Giá vàng “nhảy múa”, tiền xu không hiệu quả!
Liên quan đến công tác điều hành giá vàng trong thời gian qua, các đại biểu tập trung nhiều câu hỏi về trách nhiệm của NHNN Việt Nam trong điều tiết giá, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho hay, từ năm 1999, theo Nghị định Chính phủ, ngân hàng có chức năng quản lý vàng trong xuất khẩu, chế biến vàng miếng. Còn vàng hàng hóa mua bán trên thị trường đã được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp. Liên quan đến giá vàng “nhảy múa” trong thời gian vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết NHNN đã chọn giải pháp công bố sẽ nhập vàng. Thống đốc khẳng định, quyết định này là kịp thời và nhờ đó giá vàng đã giảm xuống. Giải trình thêm về vấn đề này, Thống đốc cho hay từ 2005-2008, Việt Nam nhập 279 tấn vàng và từ cuối năm 2008 đến nay cả nước mới xuất khẩu 37 tấn; các DN xuất khoảng 57 tấn vàng hàng hóa. Như vậy, số vàng xuất ra thấp cho thấy lượng vàng dự trữ trong dân còn rất lớn. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, đây là lần đầu tiên vàng lên “cơn sốt” không xuất phát từ mất cân đối cung - cầu.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) về hiệu quả sử dụng và độ bền đẹp của tiền xu không như đề xuất ban đầu khi phát hành, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận: “Đề án sản xuất tiền kim loại theo tôi cũng không đạt hiệu quả”. Ông Giàu cho biết thêm, ngay khi về điều hành NHNN, ông đã nghiên cứu kỹ và yêu cầu ngừng phát hành mới tiền xu, thu hồi những đồng tiền không bảo đảm lưu hành...
NHNN luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định chính sách tiền tệ
Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) về trách nhiệm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam và trách nhiệm của NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết vấn đề này còn liên quan đến cơ cấu và hiệu quả của nền kinh tế. Hàng năm đồng tiền Việt Nam đều mất giá, thống kê của NHNN từ cuối năm ngoái tới nay, cho thấy đồng tiền Việt Nam đã mất giá 5,18% so với USD. Thống đốc khẳng định, NHNN luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định chính sách tiền tệ để ổn định giá trị đồng tiền. Để ổn định giá trị đồng tiền còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, sắp tới sẽ thị trường hóa giá xăng dầu, giá than, tăng lương cơ bản... tất cả những điều này chắc chắn sẽ có những tác động nhất định đến việc ổn định đồng tiền. Tuy nhiên, “chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành liên quan tiếp thu, xây dựng phương án để điều hành một cách tốt nhất”, Thống đốc nói.
Tại kỳ họp này, Thống đốc NHNN và ngành ngân hàng nhận được 22 ý kiến chất vấn của 12 đại biểu Quốc hội và 3 ý kiến do Thủ tướng ủy quyền trả lời, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính là trách nhiệm của Thống đốc NHNN và ngành ngân hàng trong việc HTLS; điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá; thị trường ngoại hối. Hầu hết các vấn đề chất vấn đã được Thống đốc NHNN tập trung làm rõ.
THÀNH SƠN