Trả lời bạn đọc ngày 18-6

Thứ bảy, ngày 18/06/2016

Hỏi: Theo tôi được biết thì quy định của Bộ luật Dân sự 2015 sắp có hiệu lực thi hành cho phép các tổ chức có tư cách pháp nhân được làm người giám hộ. Vậy để làm người giám hộ, pháp nhân phải tuân thủ những điều kiện gì?

(BDO)

Ông TRƯƠNG CÔNG CH. (TX.Dĩ An)

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 48 và Điều 50 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thì cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại bộ luật này được làm người giám hộ và khi làm người giám hộ thì pháp nhân phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.

- Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Bên cạnh đó, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân theo Điều 86 Bộ luật Dân sự 2015 được quy định như sau:

- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.

- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.

Căn cứ các quy định trên thì pháp nhân phải đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực pháp luật dân sự và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền và nghĩa vụ có liên quan đến việc giám hộ của mình mới được làm người giám hộ. Lưu ý các quy định trên có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017.

Hỏi: Hiện nay, gia đình chúng tôi do tôi làm chủ hộ, do vậy khi thực hiện việc buôn bán các sản phẩm do hộ gia đình chúng tôi làm ra sẽ do tôi đứng ra làm đại diện thực hiện việc buôn bán. Tôi muốn biết sắp tới đây khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thì việc đại diện của tôi có thay đổi gì không?

Ông HOÀNG VĂN TH. (huyện Dầu Tiếng)

Trả lời: Theo Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình như sau:

- Trường hợp hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.

Trường hợp thành viên của hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.

- Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

Ngoài ra, Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc đại diện theo ủy quyền như sau:

- Các thành viên hộ gia đình có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ 18 tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì tất cả thành viên của hộ gia đình muốn tham gia vào quan hệ dân sự, trừ giao dịch về quyền sử dụng đất của hộ thì phải do các thành viên tham gia hoặc tất cả thành viên này có thể ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên trong hộ hoặc cá nhân, pháp nhân khác nhân danh hộ tham gia vào các quan hệ dân sự.

SỞ TƯ PHÁP