Trả lời bạn đọc ngày 11-2
Hỏi: Tôi không có chồng, con. Tôi sống chung với gia đình ông anh cả từ khi cha mẹ tôi qua đời năm 1990 cho đến nay. Khi còn sống, ông anh cả của tôi có lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho vợ và các con nhưng do từ năm 1998 vợ con của ông đã lần lượt xuất cảnh, định cư ở nước ngoài nên trong di chúc ông anh tôi cũng ghi rõ cho tôi được tiếp tục ở, trông coi, quản lý nhà, đất này và được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản này sau khi ông mất. Cuối năm 2016 ông anh cả tôi mất. Nay vợ và đứa con trai út của ông anh tôi quay về yêu cầu tôi phải trả lại nhà đất của ông ấy để lại để gia đình họ tiến hành chia di sản thừa kế. Trong trường hợp này tôi có trả lại tài sản cho vợ con ông anh cả tôi không?
(BDO)
NGUYỄN THỊ H. (TX.Dĩ An)
Trả lời: Theo quy định tại Điều 257, 258 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định; quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.
Như bà trình bày là anh cả của bà đã lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho vợ và các con nhưng cho bà được tiếp tục ở, trông coi, quản lý nhà, đất này và được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản này sau khi ông mất. Do vậy, căn cứ quy định nêu trên thì trong trường hợp này bà được xác định là người có quyền hưởng dụng nhà đất của anh trai bà để lại và bà chỉ có quyền được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với di sản trên trong một thời hạn nhất định, bà không thể trở thành chủ sở hữu đối với di sản này.
Do thời hạn của quyền hưởng dụng không được ấn định cụ thể trong di chúc nên thời hạn bà được tiếp tục ở, trông coi, quản lý nhà, đất này và được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản này được xác định đến khi bà chết (theo quy định tại Khoản 1 Điều 260 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Khi hết thời hạn được hưởng quyền hưởng dụng (tức sau khi bà chết) thì di sản trên sẽ được hoàn trả cho những người thừa kế của ông anh cả của bà (Điều 266 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Vì vậy, trong trường hợp này vợ con của người anh trai cả của bà không thể yêu cầu bà trả lại nhà và đất của anh trai bà mà bà đang ở, quản lý, sử dụng. Họ chỉ có thể thực hiện quyền yêu cầu chia di sản thừa kế do ông anh trai cả của bà để lại khi bà chết, tức khi hết thời hạn quyền hưởng dụng.
Hỏi: Cha ông A chết năm 2000 nhưng không để lại di chúc. Di sản của cha ông A để lại là thửa đất có diện tích 2.000m2. Hiện nay, ông A đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, năm 2018 ông mới hết hợp đồng lao động và trở về nước. Qua trao đổi, ông yêu cầu người anh trai của ông phải chia cho ông một phần di sản thừa kế do cha để lại. Tuy nhiên, người anh trai cho rằng cha chết đã lâu, vì vậy khi ông A về nước thì đã hết thời hiệu yêu cầu chia di sản nên ông A không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế. Nay ông A hỏi, trường hợp năm 2018 ông về nước và yêu cầu chia di sản thừa kế thì có được không?
NGUYỄN VĂN A (TX.Bến Cát)
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản.
Như vậy, theo thông tin ông A cung cấp thì cha ông chết năm 2000 và không để lại di chúc, nếu năm 2018 ông A về nước và yêu cầu chia di sản thừa kế thì thời điểm này sẽ áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Căn cứ các quy định trên, đến thời điểm năm 2018 thì thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế của ông A đối với di sản do cha ông để lại vẫn còn. Do vậy, đến thời điểm năm 2018 thì ông A vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế do cha ông để lại.
SỞ TƯ PHÁP