Trả lời bạn đọc
(BDO) Hỏi: Hôm có trận chung kết AFF Cup 2018, anh A có rủ thêm anh B và anh C đi uống bia tại quán Đệ Nhất ngay cổng công ty của mình để có tinh thần coi trận Việt Nam - Malaysia. Sau khi 3 người uống hết 1 thùng bia, do quán Đệ Nhất không có truyền hình cỡ lớn để coi nên cả 3 thống nhất tìm quán cà phê Đệ Nhị có máy chiếu coi cho “đã mắt”. Do 2 quán khá gần nhau nên anh A đã chở anh B và C di chuyển qua quán cà phê mà không đội nón bảo hiểm, đồng thời đi ngược chiều cho nhanh. Tới ngã tư gặp đội tuần tra Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Trường hợp trên thì anh A bị xử lý như thế nào, anh A đã vi phạm những lỗi gì và biện pháp chế tài áp dụng đối với anh A là gì?
Trả lời:
*Trường hợp 1: Nếu Anh A - người điểu khiển xe máy xuất trình được giấy tờ thì anh A đã vi phạm những lỗi sau đây:
- Thứ nhất: Lỗi điều khiển xe máy đi ngược chiều:
Căn cứ vào Điểm i, Khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định:
“Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện); các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
i) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;…
12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
c) … Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng: Điểm a, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g, Điểm h, Điểm i Khoản 1; Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm h Khoản 2; Điểm a, Điểm b, Điểm đ, Điểm g, Điểm h, Điểm m, Điểm n, Điểm o Khoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm g, Điểm i, Điểm k, Điểm m Khoản 4; Điểm b, Điểm d, Điểm đ, Điểm e Khoản 5;”.
Như vậy, anh A điều khiển xe máy đi ngược chiều của đường một chiều hoặc đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Ngoài ra, khi bạn điều khiển xe máy đi ngược chiều mà gây tai nạn giao thông thì bạn còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Thứ hai: Không đội mũ bảo hiểm:
Căn cứ vào Điểm i, k, Khoản 3, Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
i) Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
k) Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;”.
Như vậy, anh A không đội mũ bảo hiểm và người ngồi trên xe cũng không đội mũ bảo hiểm đã vi phạm quy tắc giao thông và sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Thứ ba: Chở quá số người quy định:
Căn cứ vào Điểm l, Khoản 3, Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
l) Chở theo 2 (hai) người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật”.
Như vậy, anh A chở quá số người quy định vi phạm quy tắc giao thông và sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Thứ tư: Uống rượu bia khi điều khiển xe máy trên đường:
Theo quy định tại Khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.”
Theo đó, như vậy, anh A điều khiển xe gắn máy có nồng độ cồn mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường. (Tuy nhiên tình huống không nói đến nồng độ cồn đo được là bao nhiêu).
Trường hợp 2: Nếu anh A điều khiển xe không xuất trình được giấy tờ thì ngoài 2 lỗi vi phạm tại trường hợp trên, anh A có thể bị phạt thêm:
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tuần tra đo nồng độ cồn người điều khiển xe máy. Ảnh: MINH DUY
Thứ năm: Lỗi không mang giấy phép lái xe:
Căn cứ Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính giao thông đường bộ có quy định:
“Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
…2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo giấy đăng ký xe;
c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5, Điểm c Khoản 7 Điều này.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, anh A - người điều khiển xe máy phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng với lỗi không mang theo giấy đăng ký xe.
SỞ TƯ PHÁP