Trả lời bạn đọc
(BDO) Hỏi: Ông A là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đã nhập quốc tịch và thường trú tại Hoa Kỳ, hiện tại ông A muốn đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam thì có được hay không? Ông A phải liên hệ cơ quan nào để được giải quyết?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 97/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/ NĐ-CP ngày 22-9-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam:
“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 1-7-2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, nếu có yêu cầu thì đăng ký với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam theo trình tự, thủ tục quy định tại nghị định này (sau đây gọi là Người yêu cầu xác định quốc tịch).
2. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện), nơi Người yêu cầu xác định quốc tịch đang thường trú, thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam”.
Căn cứ quy định trên, nếu ông A chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 1-7- 2009 mà không có một trong các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (như Giấy khai sinh, trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi), nếu có yêu cầu thì có thể đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam.
Ông A sẽ liên hệ Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (cụ thể là cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ) để được xem xét, giải quyết xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam.
Hỏi: Ông X là Việt kiều Đức, năm nay đã 50 tuổi. Trước đây, khi nhập quốc tịch Đức ông X đã thôi quốc tịch Việt Nam. Hiện tại, ông X muốn trở về Việt Nam sinh sống. Hỏi ông X có thể trở lại quốc tịch Việt Nam được không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008:
“1. Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Xin hồi hương về Việt Nam;
b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;
c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;
e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.
2. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
3. Trường hợp người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
4. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây, tên gọi này phải được ghi rõ trong Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
5. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Căn cứ quy định trên, nếu ông X thỏa mãn các điều kiện trên thì sẽ được xem xét trở lại quốc tịch Việt Nam.
SỞ TƯ PHÁP