Trả lời bạn đọc
(BDO)
Kể từ ngày 1-1-2016, lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản (ảnh minh họa)
Hỏi: Tôi đang làm việc cho một công ty may tại Khu công nghiệp Đồng An và có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 2-2014. Hiện vợ tôi đang mang thai và dự tính sinh vào tháng 3-2016. Tôi nghe nói sắp tới nam giới cũng được nghỉ thai sản khi vợ sinh con. Hỏi: Luật quy định như thế nào về chế độ nghỉ thai sản của lao động nam khi có vợ sinh con?
Anh TRẦN VĂN N. (TX.Thuận An)
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 31 Luật BHXH 2014 thì kể từ ngày 1-1-2016 lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 34 Luật BHXH năm 2014 thì thời gian được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con như sau:
- 5 ngày làm việc;
- 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. Thời gian này được tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014. Trường hợp mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của luật này mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Hỏi: Tôi làm việc tại công ty đến nay đã hơn một năm nhưng công ty không đóng bảo hiểm xã hội (BXHX) cho tôi. Tôi muốn hỏi việc công ty làm có đúng không? Công ty tôi có bị xử phạt gì không?
Bà NGUYỄN THỊ X. (TX.Tân Uyên)
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1, Điều 16 Luật BHXH 2006 thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì người sử dụng lao động phải đóng BHXH bắt buộc. Do đó, việc công ty không đóng BHXH cho bạn là không đúng quy định của pháp luật về BHXH.
Theo Khoản 3 Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định phạt tiền với mức từ 18 - 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Tại Điều 3 của Nghị định này quy định mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Căn cứ quy định nêu trên, công ty của bạn sẽ bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt nêu tại Khoản 3 Điều 26. Ngoài ra, theo Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP thì công ty của bạn còn phải nộp số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng đối với hành vi vi phạm trên và buộc phải đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm.
SỞ TƯ PHÁP TỈNH