Trả lại sự công bằng cho thi cử
(BDO) Trong những năm gần đây, các kỳ thi tuyển sinh luôn được xã hội quan tâm, ngành giáo dục cũng trăn trở tìm cách thức tổ chức thi cử sao cho an toàn, nghiêm túc và công bằng. Vậy nhưng, vụ việc bê bối gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang những ngày qua đã làm “choáng váng” dư luận, tiếp tục gây nên mối quan ngại về việc tổ chức thi cử sao cho nghiêm túc, công bằng.
Như đã biết, sau khi có dấu hiệu bất thường về kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã thành lập đoàn kiểm tra.
Kết quả kiểm tra cho thấy có 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm ít nhất từ 1,0 đến cao nhất là 8,75 điểm; thậm chí có 2 thí sinh đang từ ở mức điểm cao nhất, qua chấm thẩm định lại đã trượt tốt nghiệp! Chuyện gian lận trong thi cử từng xảy ra không ít, nhưng việc can thiệp để nâng điểm một cách trắng trợn như tại Hà Giang thì dư luận rất khó chấp nhận được. Nhiều phụ huynh, học sinh và cả những nhà giáo đã không thể tin nổi và bày tỏ sự bức xúc trước sự việc “bất nhẫn” này. Thử nghĩ xem, nhiều em học sinh ngày đêm học bòn từng con chữ để thực hiện những ước mơ cho tương lai, nếu như vụ việc trên tại Hà Giang không bị phát hiện, sẽ phải ngậm ngùi nhìn những bạn kém hơn mình điềm nhiên bước chân vào giảng đường đại học... Từ vụ việc gian lận trong thi cử tại Hà Giang, dư luận đặt vấn đề rằng cần thiết phải tổ chức đoàn kiểm tra tại các địa phương khác có dấu hiệu bất thường để làm rõ thêm có hay không những điều gian lận tương tự? Đặc biệt, khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, theo bảng thống kê trong top 15 thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, có 2 thí sinh đến từ Sơn La và điểm công bố của 2 thí sinh này đều cách xa so với điểm thi thử trước đó diễn ra tại trường. Đòi hỏi này là hoàn toàn xứng đáng, để bảo đảm sự công bằng với tất cả các thí sinh và để cho kỳ thi THPT Quốc gia thực sự tốt. Chữ tốt ở đây hiểu là tốt chung cho xã hội, theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội, chứ không chỉ tốt riêng cho một nhóm người nào đó. Một khi có sự can thiệp để nâng điểm, việc thi cử sẽ tạo ra các “điểm giả”, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào và sẽ cho ra “lò” những “người có bằng cấp rởm”. “Bằng cấp rởm” thì không và mãi mãi không bao giờ tốt cho xã hội cả, bởi vì “người có bằng cấp rởm” sẽ chiếm những vị trí công tác cần có trình độ thật và làm cho xã hội kém phát triển đi.
Sự công bằng trong thi cử cần phải thể hiện qua việc các thí sinh được đối xử bình đẳng để qua đó chọn và đào tạo ra những người có đức, có tài. Bộ GD&ĐT đã phát động cuộc vận động “hai không”: Nói không với tiêu cực trong thi cử, nói không với bệnh thành tích trong giáo dục; vậy thì cần xử lý nghiêm minh để trả lại công bằng cho thi cử và cho các thí sinh.
THÀNH SƠN