Trả lại đúng vị thế và chức năng của môn lịch sử!

Thứ ba, ngày 28/08/2012

Trong sự nghiệp trăm năm trồng người, nói về vị trí tầm quan trọng của môn lịch sử (LS) trong nhà trường, nhiều nhà giáo dục đã ví von rằng, môn sử là rễ cây, các môn khác là thân, cành, lá... Không có rễ thì cành, lá héo hon. Nếu nói giáo dục là dạy người, đào tạo một con người vừa đức, vừa tài thì môn sử đã góp phần không chỉ hướng đến đức dục mà còn cả ở trí dục.

Hàng chục năm về trước, LS là một môn học giữ vị trí khá quan trọng trong chương trình giáo dục, song hành cùng các môn học khác như toán, văn, hóa học, sinh vật... Hầu như trong cuộc thi nào cũng có môn LS: thi hết cấp, thi tốt nghiệp THPT, thi đại học... Rồi theo thời gian, những năm gần đây việc dạy và học môn LS ngày càng kém hiệu quả, đến mức xảy ra một số bất cập do học sinh thiếu kiến thức về môn LS, khiến dư luận xã hội bức xúc, các giáo sư, các nhà khoa học, các nhà giáo kỳ cựu... nhiều lần lên tiếng báo động, ngành giáo dục - đào tạo mới giật mình hốt hoảng.

Thực tế thời gian qua, môn LS đã bị xem nhẹ trong các môn học, không chỉ học sinh mà cả các nhà quản lý giáo dục cũng xem môn LS là môn học phụ vì vậy liên tục những năm gần đây trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông, môn LS có năm thi, năm không. Năm nào không thi thì nhà trường cho học dồn để dành thời gian cho các môn khác. Vì môn LS hàng tuần xuất hiện trong chương trình học chỉ 1 - 2 tiết nên tâm lý thiếu GV lịch sử cũng không sao (?). Vì tâm lý cho rằng môn sử chỉ là môn phụ nên giáo viên dạy sử cũng dễ dàng được thay thế bằng giáo viên các môn khác, có khi là giáo viên của môn học chẳng dính dáng gì về LS. “Một môn học bị coi nhẹ đến như vậy thì làm sao có thể nhận được sự quan tâm của học sinh”, giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nói như vậy.

Có lẽ, đại bộ phận học sinh không thích học môn LS bởi môn học này là môn học của các sự kiện, năm tháng, môn học của trí nhớ hơi khô khan. Suy nghĩ đó thật đáng trách nhưng nó không thuộc trách nhiệm của học sinh mà là trách nhiệm của nền giáo dục khi việc dạy và học môn LS chưa thu hút học sinh. Từ việc xem nhẹ, dẫn đến việc dạy và học môn LS được làm cho có làm, nhiều giáo viên dạy sử tâm huyết, có kinh nghiệm vài chục năm cũng giảm sút nhiệt tình khi một môn học đáng lẽ rất cần thiết, rất quan trọng lại bị đối xử theo kiểu “có cũng như không”. Và hệ quả của nó đã được phản ánh qua điểm số các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng vài năm gần đây cũng như qua kết quả điều tra xã hội học, qua các sân chơi truyền hình và qua dư luận xã hội... Thật đáng buồn là trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm học 2012-2013 mới đây, có trường đại học công bố điểm số môn sử của trên 90% thí sinh dưới điểm trung bình. Thực trạng dạy và học môn LS trong trường phổ thông những năm gần đây đã gây ra sự bức xúc, nỗi lo âu của xã hội.

Điều đáng mừng là xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng đã nhìn ra thực tế trên và đang đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Mới đây tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học môn LS trong trường phổ thông với sự tham dự của 500 nhà giáo, nhà sử học đầu ngành... Đây là lần đầu tiên một hội thảo khoa học quy tụ đông đảo giáo viên dạy sử ở 63 tỉnh, thành. Hội thảo đã tập trung phân tích, thảo luận hai vấn đề cấp thiết: Đánh giá đúng thực trạng việc dạy và học LS trong nhà trường phổ thông hiện nay, nguyên nhân của những mặt đạt được và những mặt còn hạn chế; Định hướng đổi mới dạy học LS ở trường phổ thông.

Lịch sử Việt Nam vốn là những trang sử vàng. Những trang sử không chỉ phản ánh sự thật về cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông mà còn là những bài học xương máu từ thực tế trong từng giai đoạn cho những thế hệ con cháu cần rút ra trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay cũng như những năm tới nhiệm vụ xây dựng đất nước vẫn gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ đất nước, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, trong đó có chủ quyền về biển đảo quốc gia. Do đó, các thế hệ con em chúng ta lớn lên mà không yêu mến LS dân tộc, không có một vốn hiểu biết cần thiết về LS, văn hóa dân tộc và nhân loại, không biết tự hào về những trang sử hào hùng, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc, thì làm sao có thể hoàn chỉnh được phẩm chất của người Việt Nam. Từ đó, thiết nghĩ cần trả lại và đặt đúng vị thế, vai trò của môn học LS trong trường phổ thông, đừng tiếp tục xem môn LS là môn học phụ!

DÂN THƯỜNG