TPP sẽ giúp chúng ta vận động tốt hơn và hội nhập sâu hơn
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết như thế xung quanh ý kiến của doanh nghiệp về nội dung của Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại buổi đối thoại mới đây giữa Cục Hải quan, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Bình Dương. Ông Liêm cho biết thêm:
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần công nghiệp Đông Hưng (TX.Dĩ An). Ảnh: XUÂN THI
- TPP đã đạt sự đồng thuận của 12 quốc gia tham gia trong đó có Việt Nam. Do còn phải điều chỉnh lại câu từ, nội dung nên việc ký chính thức hiệp định này sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau như phát ngôn chính thức của Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Trần Quốc Khánh đã trả lời tại buổi họp báo Chính phủ vừa qua.
- Về chuyên môn, ông có lời khuyên gì giúp cộng đồng doanh nghiệp có sự chuẩn bị hợp lý để tham gia TPP thành công?
- Như thông tin đã công bố, Việt Nam là quốc gia có lợi nhất khi tham gia TPP. Lĩnh vực chúng ta lo nhất là nông nghiệp, nhưng theo Trưởng đoàn đàm phán Trần Quốc Khánh thì phải đến 10 năm nữa lĩnh vực này mới bị tác động, vì chúng ta thực thi hiệp định theo lộ trình.
Cá nhân tôi nhận thấy, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngành nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đã có nhiều tiến bộ quan trọng, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực cả về lượng lẫn về chất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn kém các nước trong khu vực về kỹ thuật. Đây là yêu cầu quan trọng mà nhà nông, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp cần quan tâm cải thiện. TPP không chỉ yêu cầu sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng mà còn phải vượt qua các yêu cầu kỹ thuật. Cụ thể như đã đạt yêu cầu chất lượng rồi, sản phẩm còn phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật như không có tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, trái cây phải qua soi chiếu xạ mới được nhập khẩu…
- Là cơ quan đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp, theo ông, Nhà nước cần quan tâm, phát huy vấn đề gì để TPP mang lại hiệu quả nhất?
- Theo dõi diễn biến quá trình đàm phán cho thấy, TPP là bước tiến cao hơn của WTO, bởi vì những gì thỏa thuận trong TPP đều dựa trên kết quả của WTO. Nhưng khi so sánh thực tế có nhiều nội dung trong WTO đến nay chúng ta vẫn chưa thỏa mãn. Ví dụ, vấn đề ban hành cơ chế chính sách, thông tư, nghị định liên quan đến pháp luật: Đến nay vẫn còn tình trạng nghị định, thông tư vừa ban hành đã phải sửa, hoặc luật đã có hiệu lực nhưng chưa có thông tư hướng dẫn thi hành… Điều này sẽ được Chính phủ xem xét và đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Về phía địa phương, những năm qua Bình Dương đã làm rất tốt công tác mời gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và luôn đi trước trên nhiều lĩnh vực. Để TPP mang lại hiệu quả tốt nhất thì cần quan tâm, phát huy tốt vai trò của khối doanh nghiệp dân doanh, đi đôi với việc thu hút đầu tư nước ngoài.
- Xin cảm ơn ông!
DUY CHÍ (thực hiện)