TPHCM và các tỉnh Nam Bộ sơ tán hàng trăm nghìn dân ứng phó bão số 16

Thứ hai, ngày 25/12/2017

(BDO)

Tàu thuyền vào bờ tránh bão số 16. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Trước dự báo về sức tàn phá nặng nề của bão số 16 mang tên Tembin, ngày 24/12, các tỉnh, thành phố Nam Bộ đã triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với cơn bão.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố cùng các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão Tembin tại huyện Nhà Bè và Cần Giờ.

Tại các nơi đến kiểm tra, ông Lê Thanh Liêm chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ trong chiều 24/12 buộc phải di dời người dân đang sinh sống trong những căn nhà không an toàn vào nơi an toàn đồng thời, toàn bộ học sinh sẽ được nghỉ học ngày 25, 26/12. Còn huyện Nhà Bè buộc phải di dời các hộ dân đang sinh sống tại 16 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm ven sông, kênh rạch đến nơi an toàn, hạ thấp cần cẩu những công trình đang thi công và chủ động tỉa cành, nhánh cây xanh để đảm bảo an toàn.

Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Công điện hỏa tốc về việc chủ động ứng phó với bão số 16 gửi các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.

Thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra, rà soát cây xanh ven đường, khu vui chơi giải trí để chặt tỉa, đốn hạ cành nhánh, thân cây không đảm bảo an toàn trước giông gió, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khắc phục các trường hợp cây xanh ngã đổ, đảm bảo giao thông thông suốt, xử lý cây ngã đổ lên nhà dân và các công trình khác.

Tổng Công ty Điện lực thành phố trách nhiệm hữu hạn một thành viên khẩn trương tổ chức kiểm tra hệ thống điện, đảm bảo nguồn điện liên tục phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão Tembin. Trong trường hợp xảy ra sự cố hư hỏng, ngã đổ hệ thống điện phải huy động ngay lực lượng, trang thiết bị để khắc phục kịp thời.

Đường đi và vị trí cơn bão. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Tại Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành Giáo dục khẩn trương triển khai cho toàn bộ giáo viên, học sinh được nghỉ trong hai ngày 25 và 26/12, để đảm bảo an toàn nếu cơn bão số 16 (bão Tembin) đổ bộ vào tỉnh Cà Mau.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có khoảng 250.000 giáo viên, học sinh, sinh viên được nghỉ tránh bão. Trong đó, có đến hàng chục ngàn giáo viên, học sinh đang giảng dạy và học tập ở các điểm trường thuộc các huyện ven biển U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển...

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Minh Hồng cho hay, đến trưa 24/12, Sở đã có Công văn yêu cầu Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố, thủ trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp khẩn trương thông báo đến giáo viên, học sinh thời gian nghỉ tránh bão số 16 đồng thời chỉ đạo thủ trưởng, hiệu trưởng các điểm trường phân công lãnh đạo, viên chức trực 24/24h, thực hiện tốt chế độ báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai; bảo quản tốt cơ sở vật chất, tài sản, tài liệu của nhà trường.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 16 tại các địa phương ven biển ở thành phố Vũng Tàu, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc.

Thành phố Vũng Tàu đã xây dựng 2 phương án sơ tán dân từ 8 giờ đến 10 giờ và 10 giờ đến 12 giờ ngày 25/12, với 16.500 hộ với 36.752 người. Các khách vãng lai là thuyền viên tàu cá vào tránh trú bão, Đồn biên phòng Bến Đá kiểm tra lại số lượng thuyền viên thuộc đối tượng phải sơ tán, phối hợp Ủy ban Nhân dân các phường, xã thực hiện sơ tán đến khu vực an toàn. Với khách du lịch, Phòng văn hóa và các Ban quản lý các khu du lịch trực tiếp làm việc với các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn tại các khu vực ven biển thông tin đến khách du lịch về diễn biến bão số 16 và yêu cầu chủ cơ sở phải có kế hoạch đảm bảo an toàn cho du khách.

Từ 8 giờ sáng 25/12, chợ Côn Đảo tạm ngừng họp chợ; các trường học trên địa bàn được thông báo cho học sinh nghỉ học cho đến khi cơn bão đi qua. Các đơn vị chủ động phối hợp với người dân để tổ chức chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn, chặt tỉa cành cây cao, chuẩn bị phương tiện, vật tư và trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ.” Đồn Biên phòng Côn Đảo chủ động cùng Ban Quản lý cảng Bến Đầm sắp xếp các tàu neo đậu an toàn, đảm bảo an ninh trật tự tại bến neo đậu.

Sáng 24/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn thành phố Cần Thơ chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 16 - Tembin đang diễn biến phức tạp ở Biển Đông.

Dự báo hướng di chuyển của bão số 16 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Nằm trong khu vực đất liền nhưng Cần Thơ vẫn chịu ảnh hưởng của bão; dự báo sẽ có mưa vừa, mưa to, gió giật mạnh... Đặc biệt, khi bão Tembin đổ bộ vào đất liền, Cần Thơ còn chịu thêm đợt triều cường Rằm tháng 11 âm lịch mực nước lên cao...

Trong khi, Cần Thơ có trên 137.000 người cần phải di dời, đồng thời khi bão vào sẽ gây ảnh hưởng đến nhà cửa, cơ sở hạ tầng, diện tích lúa Đông Xuân, nuôi trồng thủy sản...

Trước tình hình trên, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ chỉ đạo các địa phương có người dân phải sơ tán, tổ chức đưa dân sơ tán và quản lý người sơ tán trong suốt quá trình tránh bão. Các đơn vị tiếp nhận sơ tán thành lập các ban tiếp nhận để sắp xếp, bố trí nơi ăn, ở chăm sóc sức khỏe cho người sơ tán, hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ vào thành phố. Bên cạnh đó, ngành chức năng khẩn trương rà soát những vùng có nguy cơ sạt lở, đảm bảo về hệ thống điện, thông tin liên lạc...

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16, ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão, ở đảo Huyền Trân (thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và đảo Trường Sa Lớn gió tiếp tục mạnh lên với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Lúc 16 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão số 16 vào khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc - 113,1 độ Kinh Đông; cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.

Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ nhanh 20-25km/h. Chiều tối và đêm 24/12 bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và đảo Huyền Trân. Sóng biển cao 10 mét, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng trên quần đảo. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).

Theo TTXVN