TP.Thuận An: Xuất hiện ngày càng nhiều “Khu phố không rác”
(BDO) Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Thuận An đã thí điểm thực hiện mô hình “Khu phố không rác”. Với sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam thành phố và MTTQ Việt Nam các xã, phường, cùng với các tổ chức thành viên, công tác vệ sinh môi trường ở các khu phố điểm đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực.
Khu phố Bình Quới A (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An) với những tuyến đường được bê tông, đèn chiếu sáng bảo đảm, vệ sinh môi trường sạch sẽ từ ngõ ra đường
Cách làm ở một khu phố điểm
Đến “Khu phố không rác” Bình Quới A (phường Bình Chuẩn), những tuyến đường, tuyến hẻm nối liền nhau ở khu phố được bê tông, trải nhựa; đèn chiếu sáng bảo đảm cho nhân dân sinh hoạt, đi lại, an toàn giao thông; công tác vệ sinh của từng hộ từ trong nhà ra ngõ và ngoài đường luôn sạch sẽ. Bình Quới A trở thành một khu phố xanh - sạch- đẹp, mang lại không gian, môi trường sống tốt cho người dân nơi đây… Tháng 5-2019, khu phố thực hiện mô hình “Khu phố không rác”. Chi ủy, chi bộ, Ban Điều hành khu phố và các đoàn thể đã quyết tâm để tình hình vệ sinh môi trường của khu phố đáp ứng với yêu cầu xây dựng đô thị văn minh.
Ông Lê Cảnh Dũng, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố Bình Quới A, cho biết Ban Công tác Mặt trận khu phố tổ chức làm điểm ở 1 tổ nhân dân tự quản; triển khai từng hộ gia đình viết đăng ký thực hiện các nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng mô hình. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân được tập trung, làm rõ những quyền lợi chính đáng cho người dân, cho tập thể. Việc tuyên truyền được thực hiện ở các tổ họp dân, kết hợp lồng ghép trong tiếp xúc cử tri, sinh họat tổ nhân dân tự quản, đặc biệt là tuyên truyền vào những buổi ra quân tổng dọn vệ sinh để người dân tự giác và chủ động thực hiện. Cùng với đó, đội ngũ đảng viên, cán bộ, hội viên, lực lượng dân quân, lực lượng bảo vệ, tổ trưởng, tổ phó tổ nhân dân tự quản là những hộ gia đình gương mẫu thực hiện đầy đủ các nội dung để lan tỏa sang hộ lân cận và xung quanh. Mô hình từ tổ làm điểm nhân rộng ra toàn khu phố, đồng loạt ra quân vệ sinh vào ngày chủ nhật hàng tuần. Trong quá trình thực hiện, đội ngũ cán bộ trong Ban Chủ nhiệm, các chi hội làm nòng cốt hướng dẫn, động viên, tuyên truyền. Khi mô hình này trở thành nề nếp, Ban Chủ nhiệm mô hình tổ chức duy trì thường xuyên vào ngày 27 hàng tháng tổng dọn vệ sinh, đi đến đâu vận động nhân dân ở đó cùng tham gia.
Từ sự đồng lòng, nhất trí, tham gia thực hiện “Khu phố không rác” đã nâng cao ý thức người dân thực hiện các phong trào khác, làm nên diện mạo khu phố khang trang hơn. Khu phố Bình Quới A đã có 11/12 tuyến đường Bình Chuẩn và 90% các tuyến hẻm nối liền được bê tông, trải nhựa, kinh phí cơ bản do nhân dân đóng góp và một số tuyến Bình Chuẩn do Nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, các tuyến đường, hẻm ở khu phố còn có hơn 80% chiếu sáng bảo đảm nhân dân sinh hoạt, an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy, kinh phí cũng được người dân đảm nhiệm vật tư, Nhà nước hỗ trợ hoàn thành và sửa chữa. 100% hộ gia đình ở khu phố tham gia thu gom rác, hơn 90% hộ mua sắm thùng rác có nắp đậy vệ sinh, các điểm công cộng đều có trang bị thùng rác và quản lý chặt chẽ. Ý thức người dân nâng cao, công tác vệ sinh của từng hộ từ trong nhà ra ngõ luôn được duy trì sạch sẽ và tham gia gỡ bỏ các loại quảng cáo sai quy định trước nhà. Sau gần một năm thực hiện, khu phố đã đạt danh hiệu “Khu phố không rác” năm 2019.
Lan tỏa tích cực
Trước đó, mô hình “Khu phố không rác” đầu tiên ở TP.Thuận An được thực hiện tại khu phố 3, phường An Phú vào năm 2015. Năm 2016, mô hình tiếp tục được nhân rộng ở khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu và năm 2017 thực hiện ở khu phố Bình Quới B, phường Bình chuẩn. Tính đến đầu năm 2020, toàn thành phố có 9 khu phố được UBND thành phố quyết định công nhận danh hiệu “Khu phố không rác”. Hiện tại, thành phố có 20/56 khu phố đăng ký thực hiện mô hình.
Để đạt được kết quả trên, hàng năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường xây dựng kế hoạch cụ thể và hướng dẫn trực tiếp các Ban Công tác Mặt trận khu phố tổ chức họp từng tổ dân phố để lấy ý kiến và tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện, đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt. Các cuộc họp đều được đa số nhân dân đồng tình ủng hộ. Đối với những hộ không dự họp, các tổ tự quản đều phân công thành viên trực tiếp đến nhà để tuyên truyền, vận động. Qua công tác tuyên truyền, vận động đã có 100% hộ dân đăng ký tham gia mô hình, đăng ký thu gom rác và trang bị thùng rác có nắp đậy bảo đảm vệ sinh. Từ đó, vấn đề rác thải sinh hoạt trong các hộ dân đã được xử lý triệt để.
Công tác vệ sinh môi trường tuyến đường giao thông cũng được đoàn thể phối hợp tuyên truyền và các Ban Công tác Mặt trận khu phố, Ban Chủ nhiệm mô hình phân công cụ thể từng thành viên phụ trách tuyến đường, thường xuyên theo dõi, vận động hộ dân vệ sinh rác thải vỉa hè, đường phố. Ban Chủ nhiệm mô hình còn thành lập tổ, đội xung kích tình nguyện chuyên thực hiện việc tẩy xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định, thực hiện các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn cũng thường xuyên trang bị các tờ rơi, băng rôn, bảng tuyên truyền đến nhân dân. Người dân thấy được lợi ích đã cùng tham gia các hoạt động phong trào, góp phần cho mô hình ngày càng đạt hiệu quả hơn.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, mô hình “Khu phố không rác” đã tạo sức lan tỏa trong các hộ dân về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ở khu dân cư. Khi người dân đồng thuận, thực hiện tự quản về vệ sinh môi trường và điều này trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày, bộ mặt các khu phố sẽ ngày càng xanh - sạch - đẹp.
KIM TUYẾN