TP.Thuận An: Xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại
(BDO) Ngày 28-7 vừa qua, UBND TP.Thuận An đã tổ chức hội nghị công bố Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Thuận An đến năm 2040 (gọi tắt là đồ án). Theo đó, đồ án được phê duyệt tại Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 14-7-2023 của UBND tỉnh. Đô thị TP.Thuận An được xác định là đô thị dịch vụ - công nghiệp quy mô lớn ở phía nam tỉnh Bình Dương; kết nối hệ thống đô thị phía bắc của tỉnh với TP.Hồ Chí Minh; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và vùng TP.Hồ Chí Minh. Xây dựng và phát triển đô thị TP.Thuận An với mục tiêu hướng tới trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại.
Phấn đấu sớm đạt tiêu chí đô thị loại II
Theo đồ án, giai đoạn 2021-2030 phấn đấu phát triển TP.Thuận An đạt tiêu chí đô thị loại II, trong đó có nâng cấp xã An Sơn thành phường; giai đoạn 2031-2040 phấn đấu phát triển TP.Thuận An đạt tiêu chí đô thị loại I.
Trung tâm đô thị TP.Thuận An
TP.Thuận An nằm ở vị trí tây nam của tỉnh Bình Dương, là đô thị loại III, gồm 9 phường và 1 xã (xã An Sơn đang làm thủ tục để nâng cấp thành phường). Tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố là 8.371,18 ha.
Dự báo, đến năm 2030 dân số của TP.Thuận An khoảng 750.000 người, đến năm 2040 khoảng 850.000 người. Về quy mô đất đai đô thị, giai đoạn đến năm 2030 đất dân dụng của thành phố khoảng 4.302 ha; đến năm 2040 đất dân dụng khoảng 4.924 ha.
Ông Nguyễn Công Trường, Trưởng ban Điều hành khu phố Bình Quới A, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An phấn khởi, cho biết: “Ban đầu, khi nghe được thông tin về quy hoạch đô thị TP.Thuận An, người dân chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương phân tích về quá trình đô thị hóa, mật độ dân số đô thị tăng nhanh cũng như mục tiêu xây dựng đô thị Thuận An trong giai đoạn mới, chúng tôi rất đồng tình, phấn khởi”.
“Thời gian qua, đô thị Thuận An đã có sự phát triển vượt bậc, tạo mỹ quan đô thị, hình ảnh đẹp trong lòng người dân. Người dân TP.Thuận An mong muốn đến năm 2040 thành phố đạt các tiêu chí đô thị loại I; đô thị Thuận An xứng đáng là một trung tâm đô thị năng động, hiện đại, đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng sống của người dân”, ông Trường nói.
Ông Phạm Trung Tín, Bí thư Chi bộ khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An, cho biết: “Chúng tôi thấy rằng việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Thuận An đến năm 2040 là rất cần thiết, rất quan trọng khi Thuận An nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tới đây, diện mạo của TP.Thuận An, các phường của thành phố sẽ có nhiều thay đổi, đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Cụ thể hóa mục tiêu đề ra
Đô thị Thuận An được quy hoạch định hướng phát triển với các hành lang hỗn hợp, phát triển theo mô hình TOD trên các trục và đường chính đô thị nhằm kết nối và phát triển các khu đô thị, trong đó có hành lang dịch vụ ven sông Sài Gòn, đường Vành đai III. Các hành lang đất hỗn hợp cũng là đầu mối đô thị để kết nối với đô thị TP.Hồ Chí Minh và đô thị xung quanh, như: TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Tân Uyên.
Một góc đô thị Thuận An
Để tăng vai trò đầu mối giao thông và tính liên kết giữa Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, TP.Thuận An dự kiến sẽ xây dựng thêm 3 cây cầu trên sông Sài Gòn. Ngoài cầu Phú Long hiện hữu, cầu Bình Gởi trên đường Vành đai 3 qua huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), TP.Thuận An sẽ bổ sung cầu theo đường cầu Tàu (phường Hưng Định) nối huyện Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh); cầu Vĩnh Phú (đường VP09) kết nối quận 12 (TP.Hồ Chí Minh), phục hồi cầu sắt Lái Thiêu thành cầu kiến trúc cảnh quan.
Theo quy hoạch đã được duyệt, TP.Thuận An sẽ cải tạo, chỉnh trang nhiều khu vực có diện tích khoảng 2.000 ha; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó ưu tiên các dự án theo hướng tăng thêm quỹ đất phát triển hạ tầng xã hội như trường mẫu giáo, công viên cây xanh...
Đối với các khu vực đô thị hiện hữu như trung tâm phường Lái Thiêu rộng khoảng 99,72 ha, khu vực xung quanh chợ Búng rộng khoảng 8,39 ha, TP.Thuận An sẽ cải tạo chỉnh trang theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể. Khu vực này cũng phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, phố đi bộ, phố đêm... phục vụ du lịch gắn với khu vực vườn trái cây Lái Thiêu.
Ông Phạm Trung Tín, Bí thư Chi bộ khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, nói: “Tôi thấy các nội dung điều chỉnh quy hoạch tổng thể có lộ trình rất rõ ràng, theo từng giai đoạn. Nếu những nội dung này được thực hiện điều chỉnh nhanh sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng hiệu quả xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, đối với khu vực giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh, khi được điều chỉnh quy hoạch về hệ thống giao thông, đường bộ được mở rộng, đường sắt, đường thủy sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế du lịch sinh thái ven sông”.
Ông Tín cho biết thêm phường Vĩnh Phú là cửa ngõ của tỉnh Bình Dương tiếp giáp TP.Hồ Chí Minh, nhưng hiện nay hạ tầng cơ sở trên địa bàn chưa phát triển tương xứng. Cụ thể, còn nhiều tuyến đường nhỏ, manh mún; nhiều khu dân cư trũng thấp thường bị ngập nước; nhiều cống ngăn triều ở sông còn nhỏ, chưa được cải tạo đầu tư, gây tình trạng ngập lụt khi vào mùa mưa bão, triều cường. Ông Tín kỳ vọng thực hiện đồ án sẽ giải quyết căn cơ những vấn đề nói trên.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết để đồ án đi vào cuộc sống, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị liên quan và địa phương của thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền; khẩn trương triển khai, tổ chức rà soát việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu và lập đồ án quy hoạch phân khu đô thị An Sơn; phối hợp chặt chẽ, đề xuất các giải pháp quản lý triển khai thực hiện quy hoạch, lập kế hoạch đầu tư xây dựng, huy động vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, khẳng định Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Thuận An đến năm 2040 được phê duyệt là cơ sở pháp lý thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố, cũng như tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế so với quy hoạch trước đây. Đồ án là công cụ hiệu quả để quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn. |
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG