TP.Thuận An: Quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao

Thứ bảy, ngày 09/04/2022

(BDO) Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương là một trong những vấn đề luôn được các cấp lãnh đạo TP.Thuận An quan tâm thực hiện. Cùng với những di tích lịch sử - văn hóa đã được công nhận, thời gian qua trên địa bàn TP.Thuận An đã hình thành thêm nhiều thiết chế văn hóa - thể thao (TCVH-TT) do Nhà nước đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe… của người dân địa phương.


Công viên Bình Nhâm mới được đầu tư xây dựng rộng rãi, phục vụ tốt nhu cầu người dân địa phương

Phục vụ nhu cầu người dân

Từ khi Công viên Bình Nhâm được thành phố đầu tư kinh phí xây dựng, đưa vào sử dụng, người dân Bình Nhâm hết sức phấn khởi vì họ có thêm một không gian sinh hoạt chung khá rộng rãi, mát mẻ để vui chơi, luyện tập thể dục hàng ngày. Với tổng diện tích rộng hơn 2.363m2, công viên được bố trí khoảng 10 máy tập thể dục, mỗi máy đều có bảng hướng dẫn tập chi tiết nên người dân có thể tập luyện một cách dễ dàng. Sân cũng được lát gạch sạch sẽ, có hệ thống đèn điện chiếu sáng… để mọi người có thể ra đây tập luyện thêm các môn võ hoặc đánh cầu lông, đá cầu. Sau khi tập luyện, dạo chơi hóng mát xong, người dân cũng có thể ngồi nghỉ trên những chiếc xích đu, ghế đá… trong công viên.

Bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết Công viên Bình Nhâm được thành phố đầu tư kinh phí, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020. Từ khi công viên được đầu tư và đưa vào sử dụng, nhân dân rất phấn khởi vì có địa điểm giải trí, tập luyện thể dục thể thao... “Vào các buổi sáng sớm và chiều tối, khu vực Công viên Bình Nhâm rất nhộn nhịp, với các hoạt động rèn luyện thân thể, vui chơi lành mạnh của nhân dân. Cùng với những công trình khác, Công viên Bình Nhâm đã góp phần phát triển bộ mặt đô thị chung của phường ngày càng đẹp hơn”, bà Thủy nói.

Ngoài Công viên Bình Nhâm, thời gian qua còn có rất nhiều công viên, hoa viên nhỏ được đầu tư xây dựng mới tại các địa phương trên địa bàn TP.Thuận An; trong đó Công viên Bình Hòa có tổng diện tích hơn 15.200m2, Công viên Thuận Giao rộng hơn 11.300m2 và Công viên An Phú rộng hơn 7.000m2. Những công viên này có ý nghĩa rất thiết thực, đáp ứng kịp thời nhu cầu vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân tại các địa phương.

Quan tâm xây dựng nhiều TCVH-TT

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết thời gian qua các TCVH-TT trên địa bàn đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng tương ứng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố. Hiện nay, các thiết chế văn hóa trên địa bàn đều được chính quyền địa phương quản lý. Công tác quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên. Các TCVH-TT luôn được quan tâm bảo tồn, đầu tư và duy trì hoạt động đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tại các thiết chế, các loại hình vui chơi, giải trí cũng được phát huy, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần trong nhân dân.

Thời gian qua, các TCVH-TT từ thành phố đến các xã, phường của TP.Thuận An tuy có tập trung tổ chức các hoạt động, nhưng theo đánh giá thì hiệu quả vẫn chưa cao, chưa khai thác hết công năng và giá trị sử dụng. Cơ sở vật chất một số thiết chế còn nhỏ hẹp, xuống cấp, không đủ chuẩn nên việc tổ chức các hoạt động vẫn còn hạn chế, chưa khai thác hết công năng, hiệu quả sử dụng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin, thể thao còn thiếu và yếu so với yêu cầu. Cùng với đó, công tác xã hội hóa các hoạt động còn mang tính tự phát, chạy theo phong trào, chưa có giải pháp thích hợp để huy động các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể thao trong giai đoạn mới.

Bà Nguyễn Thị Hiền cho biết thêm, thực hiện công tác quy hoạch phát triển kinh tế trong các giai đoạn tới, địa phương đều đưa các TCVH-TT vào. Hiện nay, TP.Thuận An đang xây dựng để hoàn chỉnh đề án văn minh đô thị. Trong đề án này, cũng đề cập đến xây dựng các TCVH-TT rất nhiều. Tuy nhiên, cái khó của Thuận An hiện nay là về cơ chế quản lý các Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố và các trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng cấp xã, trong đó có cơ chế về thực hiện liên kết xã hội hóa. Cùng với kiến nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư thêm các TCVH-TT cho công nhân lao động được thụ hưởng, để phát huy hiệu quả các TCVH-TT, TP.Thuận An cũng kiến nghị tỉnh có hướng dẫn rõ, cụ thể về cơ chế trong thực hiện liên kết xã hội hóa đối với trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện cũng như cấp xã để địa phương có cơ sở thực hiện.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thuận An, hiện nay trên địa bàn thành phố có 7 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 6 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó, thành phố còn có 4 TCVH-TT cấp thành phố do ngành văn hóa quản lý, 1 Trung tâm Văn hóa Lao động do Liên đoàn Lao động quản lý và Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên thành phố do Thành đoàn quản lý. Ở cấp xã, có 5 trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng tại các xã, phường. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 147 thiết chế thể thao khác, góp phần đáp ứng nhu cầu của nhân dân, như: Khu vui chơi thiếu nhi, bóng đá, bóng bàn, hồ bơi, bida, phòng tập thể hình, thẩm mỹ...

 HỒNG THUẬN