TP.Thuận An: Phải đầu tư thêm trường học mới đáp ứng nhu cầu

Thứ năm, ngày 10/08/2023

(BDO) Trước áp lực số lượng học sinh (HS) tăng cao vào năm học mới, trong khi cơ sở vật chất chưa phát triển kịp, lãnh đạo TP.Thuận An đã kiến nghị tỉnh tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc.

Lớp học quá tải

Báo cáo với đoàn công tác tỉnh vào chiều 9-8, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết trước áp lực về dân số cơ học tăng cao, thành phố đã đầu tư xây dựng thêm các cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập của HS, dự kiến năm học 2023-2024, thành phố sẽ đưa vào sử dụng trường Tiểu học An Phú 2, trường THCS Bình Chuẩn (giai đoạn 2), trường THCS Phú Long (giai đoạn 2), mở rộng trường THPT Trịnh Hoài Đức.


Tại buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh chiều 9-8, bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thành ủy Thuận An, cho biết để giải tỏa về áp lực cơ sở vật chất do số lượng HS tăng cao như hiện nay, thành phố cần xây mới thêm 15 trường học 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tâm, so với nhu cầu thực tế tại địa phương với cơ sở vật chất giáo dục hiện nay vẫn chưa đáp ứng kịp với sự gia tăng dân số cơ học. Do vậy, hiện nay số HS/lớp, số lớp/trên trường ở tất cả các cấp học đều cao hơn so với quy định, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia. Đồng thời, thành phố cũng thiếu giáo viên ở các cấp học mầm non, tiểu học, THCS... Theo thống kê, hiện thành phố có 158 trường học, gồm: Mầm non có tổng số 111 trường học (15 trường công lập và 96 trường ngoài công lập), với tổng số trẻ 32.948; trường tiểu học có tổng số 29 trường công lập, với tổng số 48.185 HS, sĩ số HS 45 em/lớp (quy định 35 HS/lớp); trường THCS có tổng số 13 trường học, với tổng số  28.668 HS, 44 HS/lớp. 

Về công tác tuyển sinh trong năm học mới 2023-2024, trường mầm non tuyển 23.651 HS; lớp 1 tuyển 9.486 HS; lớp 6 tuyển sinh 9.095 HS, tăng 1.828 HS so với năm học trước. Để đáp ứng nhu cầu HS tăng cao như hiện nay, thành phố cần xây dựng mới thêm 15 trường học nữa. 

Cần cơ chế đặc thù 

Để tạm thời khắc phục khó khăn về thiếu trường học, ông Nguyễn Thanh Tâm, cho biết thành phố đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các đơn vị trường học tận dụng và linh hoạt sử dụng các thiết bị hiện có để sử dụng trong quá trình dạy học. Đối với bàn ghế đã quá hư hỏng thì các đơn vị vẫn tiến hành sửa chữa để trang bị cho HS học tập. Đồng thời, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của HS, các trường thực hiện giảm số lớp học từ 2 buổi/ngày xuống 1 buổi/ngày, tăng số HS trên lớp. Do vậy, hiện nay số HS 2 buổi/ngày trên toàn thành phố giảm chỉ còn khoảng 51% ở bậc tiểu học, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là công nhân lao động do không có nơi gửi con để đi làm. 

Ông Nguyễn Thanh Tâm, cho biết thành phố kiến nghị tỉnh xem xét bố trí kinh phí hàng năm và từng giai đoạn nhằm phát triển quỹ đất sạch cho giáo dục, xây dựng trường học đáp ứng theo yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với tất cả cơ sở giáo dục, bảo đảm triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. 

Liên quan đến thiếu nguồn nhân lực cho giáo dục do số lượng giáo viên hiện nay không đáp ứng đủ, biến động thường xuyên từ việc hợp đồng ngắn hạn, thành phố kiến nghị tỉnh xem xét cho phép Phòng GD&ĐT thành phố được hợp đồng và tuyển đủ số lượng theo nhu cầu biên chế được duyệt hàng năm để các trường ổn định công tác dạy và học. Đồng thời, quan tâm các chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo, chế độ lương, phụ cấp nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề và dành tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.

Bà Trương Hải Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết thời gian qua tỉnh luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, Bình Dương là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp thu hút số lượng lớn người lao động ngoại tỉnh tới sinh sống và làm việc. Với việc dân số cơ học tăng cao như vậy phần nào tạo áp lực lên cơ sở vật chất giáo dục của tỉnh, nhất là vấn đề trường lớp chưa đáp ứng kịp với nhu cầu HS dẫn đến nhiều trường học bị quá tải về số lượng HS/1 lớp học, hay nhiều trường học phải giảm từ học 2 buổi/ngày xuống 1 buổi/ngày... 

Đặc biệt, TP.Thuận An và Dĩ An là những địa phương có dân số cơ học tăng rất cao, số lượng HS hàng năm cũng tăng theo. Do vậy, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh điều chỉnh, ban hành các chế độ, chính sách đối với ngành giáo dục trong tỉnh, nhất là chính sách đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực đến với ngành giáo dục. Đồng thời, sở cũng đang xây dựng các tiêu chí để trình UBND tỉnh xem xét, ban hành cơ chế đặc thù cho ngành giáo dục của tỉnh. Song song đó, kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét có cơ chế đặc thù đối với ngành giáo dục của các tỉnh, thành Đông Nam bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương...

ĐỖ TRỌNG