TP.Thuận An: Nỗ lực xây dựng đô thị xứng tầm
(BDO) Trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2010, TP.Thuận An đã tổ chức quản lý và phát triển các khu chức năng đô thị với nhiều dự án đầu tư xây dựng về nhà ở, công trình dịch vụ công cộng, hạ tầng kỹ thuật… theo quy hoạch được duyệt. Thuận An cũng đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh từ tháng 1-2020.
Đô thị Thuận An ngày càng văn minh, hiện đại
Đầu tư và phát triển
Quy hoạch chung TP.Thuận An đang được triển khai điều chỉnh tổng thể nhằm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành khác có liên quan. TP.Thuận An đã phê duyệt xong quy hoạch phân khu của 9 phường và quy hoạch nông thôn mới xã An Sơn, đạt tỷ lệ100%. Các quy hoạch này được phê duyệt làm cơ sở để quản lý và triển khai kế hoạch thực hiện các khu chức năng theo quy hoạch.
Từ năm 2016 đến nay, UBND TP.Thuận An tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển và nâng cấp đô thị, diện mạo đô thị Thuận An từng bước có những chuyển biến rõ rệt. Tỷ trọng vốn đầu tư huy động của cộng đồng doanh nghiệp và dân cư ngày càng tăng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước được phân bổ tập trung, khắc phục dần tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Giao thông được mở rộng, kết nối, thông suốt, đi lại cơ bản thuận lợi. Các công trình thủy lợi, điện, nước sinh hoạt được chú trọng đầu tư phù hợp với quy hoạch và nâng cấp các khu đô thị, các xã, phường ven sông Sài Gòn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng về giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ... được quan tâm đầu tư và có bước phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.
Năm 2017, TX.Thuận An được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Tháng 1-2020, TP.Thuận An chính thức được thành lập, đến nay, cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại II. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương và nhân dân Thuận An đã nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển đô thị. Từ một huyện thuần nông, đến nay Thuận An đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại II. Trở thành thành phố là một chặng đường mới, vận hội mới cho Thuận An phát triển, đặc biệt là đối với người dân, tương lai sẽ có cuộc sống chất lượng hơn. Đồng thời tạo nền tảng quan trọng để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa Thuận An theo hướng văn minh, hiện đại, làcơ sở để tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cũng như thu hút các dự án đầu tư để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đô thị và hiệu quả quản lý đô thị”.
Diện mạo mới
Năm 2014-2015, TP.Thuận An đã phê duyệt phân khu chức năng của các xã, phường gắn với quy hoạch chung của Thuận An. Hiện trên địa bàn thành phố hình thành nhiều khu đô thị mới như An Phú Hưng, Eco Xuân Lái Thiêu, Vĩnh Phú I, Việt-Sing, khu phức hợp Goucoland. Trên địa bàn có nhiều công trình kiến trúc mới như Trung tâm Thương mại AEON MALL Bình Dương, Lotte, Minh Sáng Plaza, Bệnh viện Quốc tế Becamex, Colimbia… đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và góp phần tạo nên những điểm nhấn kiến trúc đô thị.
Từnăm 2016 đến nay, TP.Thuận An đã phát triển thêm 56 dự án khu nhàở, với tổng diện tích khoảng 143,761ha, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, đồng thời đẩy mạnh chỉnh trang đô thị và phát triển nhà ở đô thịThuận An. Theo thống kê, hiện nay diện tích sàn nhà ở bình quân trên địa bàn thành phố khoảng 23,3m2 sàn/người. Thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 8 khu tái định cư, tổng diện tích 8,30 ha. Hiện đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng 3 khu tái định cư gồm Khu tái định cư khu phố Bình Đáng, khu phố Bình Đức 1 (phường Bình Hòa); khu phố Hòa Lân 2 (phường Thuận Giao) với 100 lô. Ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Việc hình thành các khu đô thị mới, khu dân cư trong thời gian qua không chỉtạo điều kiện cho người dân đến địa bàn sinh sống mà còn thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sông người dân, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển đô thị của Thuận An”.
Bà Trần Thị Bạch Yến, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, TP.Thuận An, cho biết: “Khu dân cư Việt-Sing trước kia vốn là vùng đất nông nghiệp, trồng mía và mì, xen kẽ là các hộ dân sinh sống. Với việc được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, bảo đảm các tiêu chí của khu dân cư đô thị, khu vực này đã trở thành thành khu đô thị với những dãy phố phát triển mạnh thương mại dịch vụ, tạo diện mạo đô thị mới cho phường. Chỉ tính riêng khu phố 4, thuộc địa bàn phường quản lý, khu dân cư đã đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho hơn 40.000 hộ dân sinh sống”. Bà Đinh Thị Hương, 75 tuổi, ngụ tại khu phố Chợ, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, chia sẻ: “Trong những năm trở lại đây, kinh tế - xã hội của TP.Thuận An ngày càng tăng trưởng và phát triển ổn định. Bên cạnh đó, đô thị đã phát triển nhanh chóng, sầm uất, xứng tầm thành phố. Nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng. Nhiều hoa viên, công viên được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người dân. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã góp mặt, các khu biệt thự, nhà ở cao cấp, nhà cao tầng mọc lên sừng sững, các khu nhà ở xã hội, khu tái định cư được xây dựng hiện đại, bộ mặt đô thị ngày càng phồn hoa, phát triển. Tôi rất vui mừng, phấn khởi và tự hào khi quê hương Thuận An được lên thành phố. Đây là kết quả xứng đáng, khẳng định sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân TP.Thuận An trong những năm qua”. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Thuận An, chương trình “Vận động nhân dân đấu nối nước thải đô thị” là nhiệm vụ luôn được thành phố luôn quan tâm, đôn đốc và chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện. Đến nay hệ thống thu gom nước thải trên địa bàn đã được thi công tương đối hoàn chỉnh trên hầu hết các tuyến đường lớn, các khu vực đông dân cư trên địa bàn thành phố. Do đó, công tác vận động người dân tham gia đấu nối nước thải sinh hoạt là một trong những bước hoàn thiện cuối cùng để đưa công trình xử lý nước thải đô thị đi vào hoạt động chính thức. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 2.806/33.079 hộ đã được đấu nối, tỷ lệ đấu nối đạt 8,48%. Từ năm 2016, thành phố đã triển khai vận động với nhiều hình thức như tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương hoặc thông qua các cuộc họp dân phố... Với những kết quả đạt được, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện việc vận động, phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt chỉ tiêu đã đề ra. |
PHƯƠNG LÊ