TP.Thuận An: Hàng hóa bảo đảm cung ứng cho nhu cầu

Thứ sáu, ngày 08/01/2021

(BDO) Nhằm không để khan hiếm nguồn hàng, góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường, TP.Thuận An đã triển khai kế hoạch, chương trình bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

 

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Aeon, Chi nhánh Bình Dương

 Bảo đảm cân đối cung - cầu

Năm 2020, TP.Thuận An đã thực hiện tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức điều phối tốt cung - cầu. Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết UBND TP.Thuận An đã triển khai thông tin, tuyên truyền rộng rãi chương trình bình ổn hàng hóa thiết yếu đến các xã, phường cho nhân dân biết. Hàng hóa phục vụ trong chương trình phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, lượng hàng hóa phục vụ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố, kể cả trong trường hợp biến động thị trường. Chương trình có sự tham gia của các doanh nghiệp, ban quản lý các chợ, siêu thị, các ngành liên quan, bảo đảm quản lý kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tham gia chương trình bình ổn thị trường, siêu thị Aeon Việt Nam, Chi nhánh Bình Dương chuẩn bị lượng hàng hóa với tổng giá trị hơn 379 tỷ đồng, riêng lượng dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau tết đạt 160 tỷ đồng. Số lượng hàng hóa còn được tăng cường tại các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố gồm 38 cửa hàng Bách Hóa xanh, 31 cửa hàng Vinmart +, 6 cửa hàng Co.op Food, 4 cửa hàng Family Mart. Đối với chợ truyền thống, các loại hàng hóa phục vụ tết (gạo, tạp hóa, hàng gia dụng, hàng may mặc, bánh, mứt, bông chưng, thịt heo…) cũng được tăng cường bởi những hộ kinh doanh tại 22 chợ trên địa bàn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần ổn định thị trường.

Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, siêu thị Lotte Mart Bình Dương đã tham gia bình ổn thị trường với tổng giá trị hàng hóa hơn 195 tỷ đồng. Trong đó lượng dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau tết hơn 65 tỷ đồng. Trước đó, Lotte Mart đã làm việc với các đối tác, nhà cung cấp bảo đảm nguồn hàng và giá cả tốt nhất để vừa thúc đẩy được sản xuất, kinh doanh, vừa kích thích được nhu cầu tiêu dùng. Bắt đầu từ tháng 11-2020, Lotte Mart Bình Dương đã cho nhập hàng tết dự trữ. Trong dịp này, siêu thị sẽ tăng nhân sự, tăng lao động thời vụ và tăng thời gian bán hàng nhằm phục vụ tốt nhất khách hàng đến mua sắm tết.

Ông Phạm Phú Hiển, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Bình Dương, cho biết: “Siêu thị đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Hàng Việt trong siêu thị chiếm từ hơn 90%. Siêu thị cam kết thực hiện tốt nhất chính sách bình ổn giá, bình ổn thị trường; hàng hóa phải bảo đảm chất lượng và chất lượng dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu, không để xảy ra khan hiếm hàng, tăng giá không đúng quy định”.

Tăng cường công tác kiểm tra

Để chương trình triển khai hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, mạng lưới phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu được phân bố đều và rộng khắp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các khu - cụm công nghiệp tập trung và khu vực nhà trọ công nhân. Bên cạnh đó, nhằm kích thích tiêu dùng, các đơn vị tham gia chương trình tổ chức hệ thống phân phối xuống các xã, phường.

Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết để triển khai hiệu quả chương trình, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND TP.Thuận An đã yêu cầu phòng kinh tế phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra các tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm trong hoạt động thương mại thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, UBND thành phố còn phối hợp các cấp, ngành liên quan trong thực hiện công tác quản lý hoạt động tổ chức hội chợ bán hàng lưu động trên địa bàn, nhằm đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời yêu cầu Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc… Phối hợp đội kiểm tra liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những điểm kinh doanh không bảo đảm. Kiểm tra các doanh nghiệp, đại lý, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thực hiện các quy định về kinh doanh phục vụ, thực hiện văn minh thương mại, bán hàng phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tránh tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá.

 Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP.Thuận An ước đạt 72.700 tỷ đồng, tăng 10,34% so với cùng kỳ. Hiện trên địa bàn có khoảng 36.200 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ.

 PHƯƠNG LÊ