TP.Thuận An: Chủ động ứng phó thiên tai
(BDO) Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, TP.Thuận An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng chống thiên tai (PCTT) với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Bên cạnh đó, UBND TP.Thuận An còn đẩy mạnh đầu tư các công trình thủy lợi, phục vụ PCTT kết hợp chỉnh trang đô thị.
Sau khi đưa vào sử dụng, công trình nâng cấp rạch Sáu Tro - Nhà Vuông đã giúp người dân ở khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh thoát khỏi tình trạng ngập úng
Hiệu quả từ công trình thủy lợi
Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai đến mức thấp nhất, ngay từ đầu năm, Ban PCTT TP.Thuận An đã xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, vật tư - phương tiện và hậu cần) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Bên cạnh đó, UBND TP.Thuận An đã tăng cường vốn sự nghiệp môi trường để thực hiện vệ sinh, vớt lục bình trên 173 tuyến kênh, rạch toàn thành phố với chiều dài 83,4km. Song song đó, 6/6 xã, phường ven sông Sài Gòn đều huy động lực lượng, nguồn vốn để thực hiện vệ sinh, khai thông dòng chảy và nâng cấp trên 45 tuyến kênh, rạch vừa và nhỏ trên địa bàn, với tổng chiều dài thực hiện 9,5km bờ bao.
Cùng với việc chủ động ứng phó với thiên tai, UBND TP.Thuận An đã triển khai đầu tư công trình thủy lợi kết hợp với đường giao thông nông thôn. Trong năm 2020, UBND thành phố đã triển khai thực hiện 9 công trình thủy lợi phục vụ công tác PCTT ở các địa bàn trọng điểm như An Sơn, Bình Nhâm, Hưng Định và Vĩnh Phú, với tổng chiều dài bờ bao được đầu tư nâng cấp 5km, tổng vốn đầu tư 13,94 tỷ đồng. Đến nay, có 3 công trình đã hoàn thành, 6 công trình đang thi công, dự kiến theo kế hoạch sẽ có 9/9 công trình được đưa vào sử dụng trong năm nay. Nói về hiệu quả của các công trình trên, ông Nguyễn Thành Úy, Trưởng phòng Kinh tế TP.Thuận An, cho biết: “Việc triển khai các công trình trên đã mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống ngập úng trên các xã, phường ven sông Sài Gòn. Đối với các công trình nâng cấp, kiên cố hệ thống kênh, rạch kết hợp đường giao thông, không chỉ bảo đảm ngăn triều, phòng chống ngập úng mà giúp người dân thuận lợi canh tác, sản xuất và chăm sóc vườn cây, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, diện tích đất sản xuất dần dần được phục hồi”.
Theo ghi nhận của P.V, từ khi công trình rạch Sáu Tro - Nhà Vuông được nâng cấp bê tông đá hộc kết hợp đường giao thông hoàn thành đã giúp một số hộ dân ở tổ 6, khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh thoát khỏi tình trạng ngập úng khi xảy ra mưa lớn hay triều cường. Là một trong những hộ dân được hưởng lợi từ công trình trên, ông Nguyễn Văn Bảy, người dân địa phương, cho biết: “Trước đây, mỗi khi mưa lớn, nước từ khu vực phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một ồ ạt chảy về rạch Sáu Tro - Nhà Vuông khiến khu vực tổ 6 ngập nước cục bộ, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của chúng tôi. Sau khi chính quyền địa phương đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến rạch này, tình trạng ngập nước cục bộ ở đây giảm hẳn. Chúng tôi có thể khôi phục, trồng lại hoa màu, cây ăn trái trên khu đất trước đây hay bị ngập úng”, ông Bảy phấn khởi.
Chủ động ứng phó
Theo nhận định của Ban chỉ huy PCTT TP.Thuận An, từ nay đến cuối năm, tình hình thiên tai sẽ diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng triều cường kết hợp yếu tố mưa lớn có thể tiếp tục gây ngập cục bộ ở các xã, phường ven sông Sài Gòn. Vì vậy, Ban chỉ huy PCTT thành phố tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra các ngành, các xã, phường trong việc cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các phương án PCTT và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng nhiệm vụ được giao, nhất là theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời rà soát các hợp đồng lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ cho công tác CPTT, nhằm sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra vào những tháng cuối năm.
Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát cây xanh, đường điện, bảng quảng cáo, hệ thống bờ bao, đê bao... nhằm kịp thời có giải pháp xử lý khi có sự cố; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đưa vào phục vụ công tác PCTT ở địa phương, bảo đảm nâng cao khả năng chống lũ, giải quyết ngập úng khi mưa lớn và triều cường dâng cao. Ban chỉ huy PCTT các xã, phường cần chủ động nắm chắc tình hình, thông tin bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường để kịp thời thông báo, cảnh báo trong cộng đồng nhằm chủ động ứng phó với thiên tai.
Theo ông Nguyễn Thành Úy, cùng với lực lượng chức năng, người dân cần nâng cao nhận thức về PCTT, chủ động theo dõi tình hình thời tiết cực đoan, triều cường để kịp thời triển khai các biện pháp bảo vệ tài sản, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra đến mức thấp nhất.
NGUYỄN HẬU