TP.Thủ Dầu Một: Tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Thứ ba, ngày 26/09/2023

(BDO) Tháng 7-1951, Bác Hồ viết về vấn đề “Phê bình” đăng trên báo Nhân dân số 16 ra ngày 12-7-1951. Bác viết rằng: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nghĩa là: Trước hết phải tự phê bình, sau đó phải phê bình người khác. “Phê bình là nêu ra ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình”. Bác xem khuyết điểm cũng như một chứng bệnh, phê bình là thuốc để chữa bệnh khuyết điểm. Thực hiện lời Bác, những năm qua, Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một luôn coi trọng công tác tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. 


Công tác tự phê bình và phê bình ngày càng đi vào thực chất giúp mỗi đảng viên khắc phục khuyết điểm để ngày càng hoàn thiện hơn. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Đông (thứ sáu từ phải qua), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một trao giấy khen cho đảng viên xuất sắc nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ thành phố

Đi vào thực chất

Với quyết tâm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một luôn có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, góp phần quan trọng trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Nhờ đó, Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố tiếp tục quyết tâm giữ vững thành tích đó. 

Để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. 

Bà Võ Thị Bạch Yến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thủ Dầu Một, cho biết Đảng bộ thành phố hiện có hơn 9.300 đảng viên. Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đòi hỏi Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một cũng phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo để phù hợp với điều kiện mới. Trong đó, phải chú trọng đến tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên, đưa công tác tự phê bình và phê bình đi vào thực chất. 

Ghi nhận tại nhiều cuộc kiểm điểm, đánh giá đảng viên cuối năm ở các chi bộ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một cho thấy vệc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình được chuẩn bị khá chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ. 

Bà Thân Thị Nguyệt, Bí thư Chi bộ khu phố 5, phường Phú Mỹ, chia sẻ: “Trong sinh hoạt chi bộ, chúng tôi thẳng thắn phê bình và tự phê bình, nhưng không phải vì tư thù cá nhân, nói xấu lẫn nhau, mà với tinh thần xây dựng và trách nhiệm. Từ đó, bản thân mỗi đảng viên nhận thấy khuyết điểm của mình mà sửa đổi để ngày càng hoàn thiện hơn. Bởi “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đảng viên phải đi đầu, gương mẫu thì quần chúng mới noi theo, mới làm tốt công tác vận động quần chúng”.


Đẩy mạnh công tác phê bình và tự phê bình góp phần xây dựng Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một trong sạch vững mạnh, đưa địa phương ngày càng phát triển

Tránh “dĩ hòa vi quý”

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá những hạn chế của công tác tự phê bình và phê bình hiện nay là: “Không ít nơi còn hình thức, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”. 

Trong thực tế, việc tự phê bình và phê bình ở không ít nơi hiện nay được thực hiện mang tính hình thức, không có tính chiến đấu cao và thường kiểu “dĩ hòa vi quý”. Đó chính là hạn chế mà các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Trong thực tế, ở không ít tổ chức Đảng hiện nay đa phần các buổi phê bình, tự phê bình thường là “nhất trí cao”.

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia, cho biết trong những hạn chế chung mà Đảng ta đã nêu ra thì ở Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một cũng không ngoại lệ. Vì vậy, để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay, Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một cần thực hiện tốt các giải pháp, đó là: Các cấp ủy Đảng phải thấm nhuần thật sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phê bình việc chứ không phê bình người. Cần thống nhất nhận thức đồng thuận trong mỗi cấp ủy là tự phê bình và phê bình là để nhận ra khuyết điểm, hạn chế của bản thân; chỉ ra khuyết điểm, hạn chế của đồng chí mình và tìm các biện pháp để khắc phục, chứ không phải lợi dụng tự phê bình, phê bình để “bới lông, tìm vết”, để hạ bệ lẫn nhau. 

Nội dung tự phê bình, phê bình cần phê phán những quan điểm, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phê bình những biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, tham ô, lãng phí, vô trách nhiệm, vô kỷ luật. Hình thức và phương pháp tự phê bình và phê bình cứng rắn về nguyên tắc nhưng mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành. Trong phê bình phải tế nhị, không dùng các phương pháp hành chính, mệnh lệnh.

Song song đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và cơ quan theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, đề cao trách nhiệm báo cáo và giải trình để tạo không khí thật sự dân chủ trong tổ chức cũng là một giải pháp hữu hiệu đối với công tác tự phê bình và phê bình; xử lý kiên quyết, thích đáng những người lợi dụng phê bình để vu khống, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ và trả thù cá nhân. Ở từng chi, Đảng bộ kịp thời tuyên truyền biểu dương gương người tốt, việc tốt trong cán bộ, đảng viên cũng như trong công tác xây dựng Đảng...

“Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng của TP.Thủ Dầu Một ngày càng có những chuyển biến tích cực; dân chủ trong sinh hoạt Đảng tiếp tục được phát huy; tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ được tăng cường; chất lượng sinh hoạt của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên, bảo đảm sự lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu và quản lý đảng viên ngày càng tốt hơn”, bà Võ Thị Bạch Yến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thủ Dầu Một đánh giá.  

THU THẢO