TP.Thủ Dầu Một sẽ chuyển đổi dần sang mô hình cấu trúc đô thị - dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo
(BDO) Theo dự thảo quy hoạch chung của TP.Thủ Dầu Một đến năm 2045 (gọi tắt dự thảo), thành phố sẽ chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc đô thị - công nghiệp sang mô hình cấu trúc đô thị - dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Trở thành cực tăng trưởng trọng điểm
Dự thảo quy hoạch chung TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đến năm 2045 đã được UBND tỉnh trình Chính phủ. Theo dự thảo, phạm vi quy hoạch chung thành phố là toàn bộ địa giới hành chính thành phố gồm 14 đơn vị hành chính (14 phường) với diện tích khoảng 11.891 ha.
Theo dự thảo quy hoạch chung đến năm 2045, TP.Thủ Dầu Một sẽ được phát triển trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Dự thảo được xây dựng với quan điểm phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia, các quy hoạch ngành Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt phương hướng phát triển của toàn vùng Đông Nam bộ và quy hoạch tỉnh Bình Dương. Dự thảo nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng; phù hợp với nguồn lực của địa phương và khả năng huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo kế thừa tiếp tục triển khai thực hiện các định hướng cơ bản, các nội dung của quy hoạch chung hiện hành và các quy hoạch chuyên ngành khác trên địa bàn vẫn còn phù hợp. Đồng thời, dự thảo xây dựng hài hòa giữa khu vực phát triển mới và khu vực hiện hữu về không gian kiến trúc đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Ông Trần Sỹ Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết điểm khác biệt của dự thảo lần này đó là thành phố sẽ chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc đô thị - công nghiệp sang mô hình cấu trúc đô thị - dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Cụ thể, theo dự thảo, TP.Thủ Dầu Một sẽ được phát triển trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò quan trọng trong vùng đô thị TP.Hồ Chí Minh, phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ, thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, thành phố sẽ được tạo lập không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng xã hội hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố.
Quy hoạch hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng, bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng - an ninh của quốc gia và vùng. Quy hoạch này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc lập các đồ án quy hoạch phân khu nhằm quản lý phát triển đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và các khu vực trong thành phố theo quy hoạch, bảo đảm chất lượng đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.
Đô thị trọng điểm của vùng động lực phía Nam
Ông Trần Sỹ Nam cho biết TP.Thủ Dầu Một được quy hoạch là một trong những đô thị trọng điểm của vùng động lực phía Nam; là đô thị loại 1 có vai trò là đô thị hạt nhân trong vùng đô thị trung tâm của tỉnh; trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao, du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái của tỉnh Bình Dương. Đồng thời, thành phố sẽ là trung tâm liên kết đầu mối kết nối các loại hình vận tải đa phương thức đối với các huyện, thị, thành phố xung quanh, với tỉnh, khu vực phía bắc và vùng Đông Nam bộ. Đây cũng sẽ là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Theo dự thảo quy hoạch chung đến năm 2045, TP.Thủ Dầu Một sẽ chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc đô thị - công nghiệp sang mô hình cấu trúc đô thị - dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững
Về dân số, dự kiến đến năm 2030 TP.Thủ Dầu Một có 400.000 - 450.000 người và đến năm 2045 có từ 450.000 - 650.000 người. Về quy mô đất đai phát triển đô thị, đến năm 2030 đất xây dựng đô thị khoảng 7.950 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 2.400 - 2.700 ha. Đến năm 2045, đất xây dựng đô thị khoảng 9.150 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 2.700 - 3.900 ha.
Ông Trần Sỹ Nam cho biết thêm kết quả dự báo quy mô dân số và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cụ thể được nghiên cứu luận cứ và lựa chọn trong quá trình lập đồ án quy hoạch, bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phù hợp với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Trên cơ sở tính chất dự thảo quy hoạch chung, TP.Thủ Dầu Một xây dựng mục tiêu phát triển đô thị theo hướng từng bước cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn với chỉnh trang các khu vực hiện hữu, bảo đảm đáp ứng nhu cầu và đồng bộ với các khu vực phát triển hiện đại. Song song đó, thành phố giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, tăng cường quỹ đất cây xanh công cộng, cải thiện môi trường trong các khu vực hiện hữu. Bên cạnh đó, thành phố nâng cao chất lượng các khu chức năng hiện hữu đang là động lực phát triển của địa phương, hình thành các trung tâm là động lực phát triển mới của đô thị để đáp ứng yêu cầu về phát triển dịch vụ, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, thành phố sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng thông tin truyền thông nhằm gia tăng tính kết nối tương tác giữa các khu vực chức năng trong đô thị. Đồng thời, không gian đô thị của thành phố sẽ được gắn với phát triển hệ thống giao thông công cộng nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất đai; mở rộng không gian phát triển đô thị khu chức năng…
Định hướng phát triển không gian thành phố hướng tới nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực hiện hữu; kết nối hiệu quả giữa khu vực đô thị hiện hữu và Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương với các trung tâm động lực mới của thành phố để hình thành mạng lưới trung tâm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ, đào tạo và đổi mới sáng tạo. Phát triển không gian đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, năng lực của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại từng khu vực phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. |
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG