TP.Thủ Dầu Một: Đưa GIS vào quản lý đô thị
(BDO)
TP.Thủ Dầu Một là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương. Với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, TP.Thủ Dầu Một đã được nâng cấp lên đô thị loại II. Trong quá trình phát triển, thành phố đã đưa hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quản lý đô thị (QLĐT) nhằm nâng cao năng lực QLĐT theo hướng hiện đại và quản lý nhà nước bằng ứng dụng công nghệ thông tin.
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Thời gian qua, trước sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội đã làm phát sinh nhiều yêu cầu mới trong công tác quản lý hành chính nhà nước của TP.Thủ Dầu Một, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến môi trường, tài nguyên, nhà đất, hạ tầng kỹ thuật, các công trình xây dựng... Thông qua việc triển khai có hiệu quả của ứng dụng GIS trong một số ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã tạo tiền đề để TP.Thủ Dầu Một triển khai ứng dụng GIS vào việc QLĐT của địa phương.
Thông qua GIS, các thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà, hệ thống giao thông, thoát nước... tại 4 phường Hiệp Thành, Phú Hòa, Phú Lợi và Phú Cường của TP.Thủ Dầu Một đã được cập nhật đầy đủ. Ảnh: H.PHẠM
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Trọng Đức, trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc áp dụng GIS vào QLĐT sẽ hỗ trợ nhanh chóng và đồng bộ công tác xử lý nghiệp vụ, thông tin được quản lý một cách có hệ thống; thông tin mới luôn được cập nhật, thực hiện được các bài toán tổng hợp và phân tích một cách khoa học nhằm đưa ra quyết định xử lý chính xác trong công tác QLĐT của lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một.
Với việc triển khai GIS tại 4 phường của TP.Thủ Dầu Một gồm Hiệp Thành, Phú Hòa, Phú Lợi và Phú Cường bước đầu đã cơ bản xây dựng và hoàn thiện được dữ liệu về nhà, giao thông, thoát nước, quản lý quy hoạch, công trình công cộng... Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó trưởng phòng QLĐT TP.Thủ Dầu Một, về cơ bản ứng dụng GIS trong QLĐT, thành phố đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1/2000 tại 4 phường nói trên. Cơ sở dữ liệu này sẽ là nguồn dữ liệu có giá trị để sử dụng làm dữ liệu nền dùng chung cho nhiều cơ quan, dự án trên địa bàn tỉnh và bước đầu đã phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ chuyên môn hàng ngày của phòng QLĐT thành phố.
Công cụ trợ giúp hiệu quả
Kết quả bước đầu từ việc triển khai GIS trong QLĐT ở TP.Thủ Dầu Một đã góp phần đáng kể vào việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quy hoạch phát triển kinh tế của thành phố. Bên cạnh đó, đã tiết giảm đáng kể kinh phí cũng như thời gian trong công tác QLĐT vì cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh bước đầu đã cơ bản bảo đảm cho công tác QLĐT cũng như chia sẻ thông tin đồng bộ giữa các phòng, ban. Đây cũng được xem là công cụ hỗ trợ giúp cho việc ra quyết định cho lãnh đạo thành phố liên quan đến QLĐT tốt hơn, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Đạt, việc ứng dụng GIS đã trợ giúp hiệu quả cho công tác QLĐT của TP.Thủ Dầu Một; là đòn bẩy nâng cao năng lực QLĐT, nâng cao nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc của cán bộ, chuyên viên đô thị. Đồng thời, đây được coi là tiền đề để có thể mở rộng áp dụng GIS vào các lĩnh vực khác có liên quan và là một hình mẫu làm cơ sở dữ liệu để có thể triển khai thành những hệ thống lớn hơn như GIS QLĐT cho toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một đánh giá, có thể nói việc áp dụng GIS vào QLĐT đã góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố gắn với quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một, Quy hoạch phân khu chức năng tỷ lệ 1/2000 của các phường, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, cũng như theo dõi quản lý việc chấp hành các quy hoạch và đồ án được duyệt.
Bên cạnh đó, ngoài việc đáp ứng trong QLĐT với dữ liệu nền, GIS còn cung cấp một phần cơ sở dữ liệu chuyên đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, giao thông, thoát nước, nhân khẩu... Đây có thể coi là mối quan hệ chặt chẽ trong việc gắn dữ liệu nền với dữ liệu chuyên đề trong việc bổ sung, cập nhật đầy đủ thông tin phục vụ tốt hơn cho công tác QLĐT của thành phố.
HOÀNG PHẠM