TP.Thủ Dầu Một: Công tác DS-KHHGĐ ngày càng đi vào chiều sâu
(BDO) Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), trong thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn TP.TDM đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến phường. Cùng với sự tích cực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên DS và đồng tình hưởng ứng của người dân, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào chiều sâu và đã đạt được những kết quả tích cực…
Ông Lê Minh Hoàng, Trưởng khoa DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế TP.TDM cho biết, quán triệt tinh thần thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ, lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ chủ chốt của các ban ngành, đoàn thể và phường luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ đã được cụ thể hóa nội dung thành nghị quyết, chương trình hành động và kế hoạch hàng năm. Trên cơ sở đó, các giải pháp cụ thể cũng được đề ra nhằm thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ trong từng giai đoạn và từng năm, góp phần trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Một tiểu phẩm tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn TP.TDM
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tích cực trong công tác DS-KHHGĐ trong thời gian qua trên địa bàn TP.TDM chính là sự nỗ lực đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ. Hệ thống cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ thành phố đến phường luôn được quan tâm củng cố, tăng cường để thực hiện nhiệm vụ. Hiện toàn thành phố có 14 cán bộ phụ trách công tác DS của phường và 220 cộng tác viên hoạt động rải đều ở các khu phố. Hàng năm, cán bộ phụ trách và cộng tác viên DS đều được tỉnh và thành phố tổ chức bồi dưỡng, tập huấn thông qua các nội dung chuyên đề, như: Công tác tuyên truyền vận động, kỹ năng tư vấn, công tác thống kê báo cáo chuyên ngành, thanh tra giám sát…
Để làm nên những kết quả đáng ghi nhận trong công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn, trong quá trình tổ chức triển khai các hoạt động, công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi luôn được khoa Dân số, Trung tâm Y tế TP.TDM đặc biệt quan tâm. Ông Lê Minh Hoàng cho biết, công tác tuyên truyền giáo dục đóng vai trò quan trọng và là giải pháp hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình DS-KHHGĐ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thái độ, nhận thức và hành vi trong việc thực hiện KHHGĐ. Trong thời gian qua, công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi trên địa bàn TP.TDM đã được các ngành, các cấp chú trọng đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, với nội dung phù hợp như tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề, tư vấn cộng đồng, phát thanh, báo…
Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, những cán bộ, cộng tác viên DS đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm tiếp cận các đối tượng, từng hộ dân để tuyên truyền, thay đổi hành vi của họ về công tác DS-KHHGĐ. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, đa số người dân trên địa bàn đã tự nguyện chấp nhận và thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Từ đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng hàng năm. Điều đáng nói là đối tượng nam giới đã tham gia nhiều hơn vào chương trình thông qua việc ủng hộ phụ nữ thực hiện KHHGĐ và bản thân họ còn trực tiếp sử dụng các biện pháp tránh thai (đình sản nam). Kết quả, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện năm 2011 là 79,55%, đến năm 2015 tăng lên 80,48%; tỷ lệ sinh con thứ 3 năm 2011 là 3,35%, đến năm 2015 giảm xuống còn 3,16%…
Ông Lê Minh Hoàng nói rằng, công tác thông tin giáo dục, truyền thông DS của thành phố trong những năm qua đã đi theo nhiều kênh, phát triển theo nhiều chiều để đi đến nhiều thành viên trong mỗi gia đình với nội dung thông tin mới, chứa đựng nhiều yếu tố vận động. Chính vì lẽ đó, nhận thức về gia đình ít con, cưới muộn, sinh con đầu lòng muộn, kéo dài khoảng cách giữa 2 lần sinh, kết thúc sinh đẻ sớm… đã hình thành trong đa số nhân dân. Công tác tuyên truyền giáo dục đã tác động tích cực đến sự thay đổi hành vi của nhân dân, giúp họ thấy được những lợi ích trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện KHHGĐ, chấp nhận gia đình ít con. Chính sự thay đổi đó đã đưa công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn TP.TDM hàng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.
CẨM LÝ