TP.Thủ Dầu Một: Chú trọng tấn công tội phạm “tín dụng đen”

Thứ sáu, ngày 28/08/2020

(BDO) Bà Nguyễn Thu Cúc, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết từ đầu năm đến nay số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn xảy ra 61 vụ, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 25 vụ đạt tỷ lệ 29%. Đáng chú ý là công tác tấn công tội phạm hoạt động cho vay “tín dụng đen” đã đạt được những kết quả đáng mừng.


Công an và các ban ngành ra quân phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: PX03-CABD

“Bẫy” hỗ trợ tài chính

Theo nhận định, tuy tình hình tội phạm được kéo giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm “tín dụng đen”. Tuy nhiên, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Công an TP.Thủ Dầu Một kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc. Hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực, tình hình phạm pháp hình sự có liên quan đến hoạt động này được kéo giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm 2019. Công an TP.Thủ Dầu Một đã làm rõ 3 nhóm, 7 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố theo quy định của pháp luật 1 vụ 2 đối tượng.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hoạt động “tín dụng đen” rất đa dạng, nhưng nổi nhất vẫn là các băng nhóm từ phía Bắc. Họ cho vay với lãi suất cao và thường nhắm vào những người dân nghèo, công nhân đang gặp khó khăn, tiểu thương đang cần vốn nóng để làm ăn và những người đam mê cờ bạc. Mức lãi suất cho vay từ 0,67%/ngày, 20,1%/tháng và 241,2%/năm. Đặc biệt, hình thức vay qua các ứng dụng công nghệ, app trên điện thoại di động mức lãi suất có thể lên đến 1.600%/năm.

Phương thức hoạt động vẫn chủ yếu là phát tờ rơi, dán quảng cáo ở các nơi công cộng, quảng bá cho vay ghi hình lại các ứng dụng công nghệ, để người dân biết số điện thoại liên hệ khi cần vay. Thủ tục cho vay đơn giản chỉ cần giấy CMND, biết nhà và số điện thoại là cho vay. Hình thức cho vay ở 2 dạng là vay trả góp vừa tiền lãi và tiền gốc/ngày; vay trả lãi theo ngày, tháng (gọi là vay đứng) gốc vẫn giữ nguyên đến khi nào trả hết tiền gốc thì thôi trả lãi.

Tăng cường tuyên truyền

Từ thực tế phức tạp của tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, lãnh đạo UBND TP.Thủ Dầu Một đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Lực lượng chức năng đã lồng ghép các mục tiêu, tiêu chí trong các kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm. Lực lượng trinh sát hình sự giữ vai trò chủ công trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Đây cũng là tiêu chí thi đua của ngành, từ đó lực lượng chức năng tăng cường triệt xóa các tụ điểm, đường dây hoạt động tệ nạn xã hội có băng nhóm bảo kê trong đó có hoạt động “tín dụng đen”.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP.Thủ Dầu Một cũng đã chỉ đạo các đơn vị hữu quan, đoàn thể tổ chức tuyên truyền giáo dục thường xuyên về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm “tín dụng đen”. Nội dung tuyên truyền giúp người dân nhận biết tội phạm liên quan đến tín dụng đen, các cơ quan, ban ngành của TP.Thủ Dầu Một đã tuyên truyền được 4 cuộc với 2.158 lượt người tham dự. Song song đó, thành phố cũng đã phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động người dân tích cực tham gia tố giác các băng nhóm tội phạm, các tổ chức, cá nhân kinh doanh tài chính trái phép. Người dân đã cung cấp cho công an 13 nguồn tin trong đó có 3 nguồn tin có giá trị hoạt động cho vay nặng lãi, làm rõ 7 đối tượng phát tờ rơi cho vay trên địa bàn.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Cúc, Công an TP.Thủ Dầu Một đã phối hợp với Thành đoàn ra quân 25 đợt với 462 lượt đoàn viên tham gia tẩy xóa các quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen”. Đội phong trào của Công an thành phố phối hợp Đài Truyền thanh xây dựng được 9 nội dung tuyên truyền đến nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm băng nhóm và tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn để người dân nâng cao cảnh giác, tố giác tội phạm…

Thủ đoạn hoạt động của các băng nhóm cho vay là tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vay, khi đã vay thì bọn chúng tìm mọi cách giữ người vay để thu lãi thậm chí sẵn sàng cho vay lần 2, lần 3 (gọi là đáo hạn), khi người vay không còn khả năng trả góp lãi thì bọn chúng cộng lãi và gốc bắt người vay ký giấy mượn tiền. Từ đây, hàng ngày họ cho người đến đòi nợ, nếu không trả thì chửi bới, đe dọa, khủng bố người thân của con nợ và sẵn sàng vi phạm pháp luật để lấy được tiền.

 QUỲNH NHƯ