TP.Tân Uyên đã và đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhờ đó, thành phố đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư.

Phát huy lợi thế
Với vị trí thuận lợi, địa bàn rộng, cùng những cơ chế chính sách ưu đãi, TP.Tân Uyên đã và đang tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Trên địa bàn thành phố hiện có các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore II, Việt Nam - Singapore III, Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên mở rộng; các cụm công nghiệp Thành phố Đẹp, Uyên Hưng, Phú Chánh… Các khu, cụm công nghiệp này đã và đang giúp địa phương phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, đưa giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tăng bình quân hàng năm trên 13% trong thời gian qua.
Sự phát triển của các KCN giúp TP.Tân Uyên thay đổi cơ cấu kinh tế với công nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ. KCN Việt Nam - Singapore III dù mới thành lập nhưng đã thu hút được 17 dự án đầu tư với hơn 1,82 tỷ đô la Mỹ. Ngoài dự án hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ của Tập đoàn Lego (Đan Mạch), KCN này còn thu hút nhiều dự án công nghệ cao, như dự án của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch), Tập đoàn Giant (Đài Loan, Trung Quốc)… Các dự án này đã và đang mở ra nhiều cơ hội góp phần gia tăng năng lực sản xuất của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Theo lãnh đạo UBND TP.Tân Uyên, nhờ phát triển công nghiệp và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, thành phố ngày càng có nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước có số vốn đầu tư lớn. Tính đến nay, thành phố đã thu hút được 2.722 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký trên 57.733 tỷ đồng và 1.120 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 6,85 tỷ đô la Mỹ. Hầu hết các dự án trên địa bàn thành phố đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.
Nhiều cơ hội đón dự án chất lượng
Dự kiến đến cuối năm 2025, Bình Dương sẽ thành lập mới 2 KCN với tổng diện tích khoảng 1.000 ha tại huyện Bắc Tân Uyên và TP.Tân Uyên. Trong đó, KCN chuyên ngành cơ khí tại phường Hội Nghĩa, TP.Tân Uyên có diện tích khoảng 800 ha thu hút các ngành công nghiệp cơ khí theo hướng công nghệ cao, tự động hóa, ít thâm dụng lao động; KCN Tân Lập I với diện tích 200 ha sẽ chuyên về ngành gỗ. Nhờ phát triển công nghiệp và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, TP.Tân Uyên ngày càng có nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước có số vốn lớn. Thành phố đang chủ động, sáng tạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn, trong đó chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp.
Ông Wong Man Li, Chủ tịch Tập đoàn Manwah (Hong Kong, Trung Quốc), cho hay Công ty TNHH Timberland trực thuộc tập đoàn, đóng trên địa bàn TP.Tân Uyên được đầu tư nhà xưởng tiêu chuẩn hiện đại với 129 dây chuyền sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động. Tập đoàn sẽ đầu tư thêm 50 triệu đô la Mỹ để xây dựng nhà máy, mở rộng quy mô sản xuất. Ông cho biết nhà đầu tư luôn đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Bình Dương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; sự năng động của chính quyền địa phương trong tiếp cận các nhà đầu tư mới, cũng như có các giải pháp hỗ trợ, hợp tác và lắng nghe.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu vừa tháo gỡ khó khăn vừa không tạo thêm những rào cản mới, ngay từ đầu năm thành phố nỗ lực cao nhất, tập trung mọi nguồn lực quyết tâm thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Hiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của TP.Tân Uyên ngày càng hoàn chỉnh theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Hệ thống giao thông hoàn thiện, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh, bao gồm giao thông đường bộ, giao thông đường thủy, hệ thống bến cảng, kho bãi... Bên cạnh đó, các dự án giao thông kết nối vùng như Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn TP.Tân Uyên đang mở ra nhiều cơ hội, tạo đà cho phát triển đô thị của địa phương, cũng như mở ra tiền đề quan trọng để thành phố phát triển ngày càng bền vững hơn.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết thành phố đang triển khai nhiều giải pháp huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển để nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đến các KCN. Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tận dụng mọi cơ hội để quảng bá môi trường kinh doanh, đầu tư đến các nhà đầu tư mới; tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh của thành phố để phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu xây dựng TP.Tân Uyên trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị mạnh mẽ của tỉnh trong thời gian tới.
Năm 2025, TP.Tân Uyên đặt ra chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 13%; giá trị thương mại và dịch vụ tăng 24% so với năm 2025; tạo việc làm mới cho 6.000 lao động. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu sớm trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đô thị phía Nam của tỉnh, TP.Tân Uyên đang tích cực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tận dụng mọi cơ hội để đón thêm dự án đầu tư chất lượng. |
NGỌC THANH