TP.HCM: Ý kiến từ doanh nghiệp về việc tạm dừng xuất khẩu gạo
(BDO)
Sản phẩm gạo xuất khẩu được tạm trữ tại kho của công ty Lương thực Sông Hậu (Sông Hậu Food) thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Ngày 24/3, Bộ Tài chính đã ra Thông báo số 256/TB-BTC về triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 của Văn phòng Chính phủ Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Bộ Tài chính yêu cầu Tổng Cục dự trữ Nhà nước khẩn trương mua đủ số lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách; chỉ đạo Tổng Cục Hải quan tạm dừng việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3/2020. Đối với những lô hàng đã được đăng ký mở tờ khai hải quan trước 0 giờ ngày 24/3/2020, thì tiếp tục được thực hiện.
Cùng ngày, Tổng Cục Hải quan đã có văn bản gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và một số đơn vị liên quan để triển khai nội dung nêu trên. Tuy nhiên khi nhận được thông tin, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có hai luồng ý kiến khác nhau.
Một số doanh nghiệp cho rằng việc dừng xuất khẩu gạo hiện nay là không cần thiết, số còn lại đồng ý tạm dừng xuất khẩu nhưng cần có lộ trình hợp lý hơn.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho rằng quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo trong thời điểm này là không cần thiết và chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như nông dân trồng lúa.
Việt Nam không thiếu gạo vì dịch COVID-19 không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo. Hơn nữa, vụ Đông Xuân vừa qua Đồng bằng sông Cửu Long được mùa lớn nhờ gieo sạ sớm, tránh được hạn mặn, do đó lượng lúa gạo trong dân và doanh nghiệp rất lớn, cần được giải phóng.
Theo ông Phạm Thái Bình, tổng kết vụ Đông Xuân vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẳng định năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo và phải xuất khẩu được mới có kho để thu mua các vụ tiếp theo.
Việc dừng xuất khẩu gạo một cách đột ngột sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn do một lượng hàng đã vận chuyển đến cảng buộc phải kéo về, trong khi đã đến hạn giao hàng cho đối tác nước ngoài mà không giao sẽ phải bồi thường.
Thêm vào đó, doanh nghiệp không được ngân hàng cho vay vốn thu mua tạm trữ, giá lúa gạo sẽ giảm mạnh khiến nông dân rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá.”
“Hiện tại do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên nhiều nước xuất khẩu gạo chưa chuẩn bị kịp, trong khi nhu cầu dự trữ lương thực ở các nước nhập khẩu gạo gia tăng thì Việt Nam cần tranh thủ cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu số gạo đã dự tính, duy trì giá lúa gạo có lợi cho người nông dân. Nếu dừng xuất khẩu vào thời điểm này, các khách hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tìm nguồn cung mới thay thế, đến khi Việt Nam muốn xuất khẩu sẽ không còn ai mua," ông Phạm Thái Bình phân tích.
Cũng theo ông Phạm Thái Bình, mặc dù tâm lý tích trữ lương thực trong dân do lo ngại dịch bệnh đã xuất hiện ở một số nước nhưng các đối tác nhập khẩu cũng chưa có động thái thu gom lúa gạo.
Các thị trường như Malaysia, Trung Quốc, Trung Đông vẫn duy trì tiến độ, sản lượng nhập khẩu theo hợp đồng đã ký trước đó, vì vậy không có lý do gì để Việt Nam phải tạm dừng xuất khẩu gạo.
Ngay sau khi Tổng Cục Hải quan có văn bản yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương lại có văn bản đề nghị Thủ tướng cho hoãn quyết định này.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang), việc tạm dừng xuất khẩu gạo để đánh giá lại sản lượng, nhu cầu tích trữ nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ổn định giá gạo trong nước trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là hợp lý.
Tuy nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình và thời gian áp dụng phù hợp. Theo đó, ngày 24/3, Tổng Cục Hải quan ra thông báo tạm dừng làm tờ khai hải quan xuất khẩu gạo nhưng áp dụng ngay từ 0 giờ cùng ngày.
Việc này đồng nghĩa với rất nhiều doanh nghiệp đã đóng hàng lên xà lan, thậm chí chuyển tới cảng, chuẩn bị làm tờ khai hải quan phải dừng lại và đưa hàng về kho, làm phát sinh thêm chi phí.
Thêm vào đó, theo đề xuất của Bộ Công Thương thì việc tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ đến hết tháng 5/2020 là quá lâu và không cần thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Tổng Cục Hải quan cần thông báo sớm chủ trương của Chính phủ nhưng giãn thời gian thực hiện tạm dừng xuất khẩu gạo từ cuối tháng 3 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện thông quan các lô hàng đã đưa đến cảng và có lịch giao hàng trong tháng 3.
Như vậy, sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thời gian xử lý đơn hàng, giảm thiệt hại phát sinh cũng như trao đổi thống nhất lại hợp đồng với các đối tác nước ngoài.
Mặt khác, việc tạm dừng xuất khẩu cũng chỉ cần áp dụng trong một tháng (tháng 4) thay vì kéo dài hơn 2 tháng đến hết tháng 5/2020, bởi một tháng là đủ để các đơn vị thống kê lại sản lượng, thu mua tích trữ đủ số lượng cần thiết và đưa giá gạo về mức ổn định. Nếu tạm dừng xuất khẩu quá lâu sẽ ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và việc thực hiện các hợp đồng của doanh nghiệp.
Hiện các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm đưa ra phương án cuối cùng để doanh nghiệp yên tâm thực hiện./.
Theo TTXVN