TP.HCM: “Thịt bẩn” tràn vào thành phố

Thứ năm, ngày 17/11/2011

Những tháng cuối năm tình hình buôn bán, vận chuyển và giết mổ trái phép gia súc gia cầm trên địa bàn TP.HCM lại nóng lên từng ngày. Nửa đầu tháng 11, cơ quan thú y đã phát hiện và xử lý hàng loạt vụ vận chuyển “thịt bẩn” vào thành phố.

Hiện cả nước vẫn còn bốn tỉnh có dịch heo tai xanh hoành hành trong đó Long An, Tây Ninh và Tiền Giang là những tỉnh nằm liền kề với địa bàn TP.HCM, tỉnh còn lại là Quảng Nam. Dịch bệnh long mồm lở móng vẫn đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Nghệ An.

  Hơn 600kg chân trâu bò không nguồn gốc vận chuyển trên xe khách Phương Trang

Bất chấp những những cảnh báo về nguy ca lây lan và bùng phát dịch trên diện rộng, ý thức của người dân trong việc tiêu độc khử trùng và xử lý gia súc gia cầm còn hạn chế cùng với nó là tình trạng “bán tống bán tháo” vật nuôi bị bệnh để gỡ vốn khiến nguy cơ phát tán dịch bệnh tăng cao. Tình trạng vận chuyển gia súc gia cảm bẩn, chưa qua kiểm dịch vào thành phố đang diễn biến rất phức tạp.

Theo thông tin từ Chi cục Thú y thành phố, chỉ trong tuần đầu của tháng 11 Chi cục Thú y đã phối hợp với cảnh sát giao thông và Chi cục Quản lý thị trường phát hiện và xử lý hàng chục vụ vận chuyển gia súc gia cầm trái phép trên các phương tiện giao thông. Bằng những hình thức nguy trang vô cùng tinh vi như giấu dưới hầm xe, đóng trong thùng xốp đặt dưới gầm ghế để trong khoang hành khách.

Trong các ngày 6-11, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc tuần tra và phát hiện xe khách Phương Trang mang biển kiểm soát 53N-9339 chạy theo hướng Đồng Nai về TP.HCM có dấu hiệu khả nghi nên đề nghị dừng xe. Khi tài xế vừa mở hầm xe, mùi hôi thối đã xông ra, kiểm tra 12 thùng xốp cơ quan chức năng phát hiện bên trong chứa toàn chân trâu bò đã biến chất với tổng trọng lượng lên đến 636kg. Tại hiện trường, tài xế xe đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của lô hàng nên đã bị lập biên bản xử lý.

Cũng với “chiêu bài” đóng thùng xốp nhằm qua mắt cơ quan chức năng, xe khách Phi Hiệp BKS 43B-00039 đã vận chuyển trong khoang hành khách 228kg lòng heo đã bốc mùi hôi thối. Ngay cả những phương tiện vân tải công cộng cũng sẵn sàng tiếp tay cho việc vận chuyển thịt bẩn. Ngày 5-11 tiến hành kiểm tra xe buýt 53N-9957 do ông Nguyễn Đức Vệ (SN 1963, ngụ tại Đồng Nai) cơ quan chức năng phát hiện trong khoang hành khách có 278kg sản phẩm động vật (thịt heo, gà) không có dấu kiểm soát giết mổ, không giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định đang được chuyển từ Đồng Nai về TP.HCM tiêu thụ.

Lộ liễu hơn cả là chiếc xe tải mang BKS: 92K-6622 do tài xế Đoàn Xuân Nhung điều khiển vận chuyển 121 con heo sống từ Quảng Ngãi vào TP.HCM và Bình Dương giết thịt, tuy nhiên phần lớn trong số đó chưa qua kiểm dịch động vật. Sau khi vượt qua hầu hết các “cửa ải” khi đến địa bàn thành phố chiếc xe đã bị chặn lại.

Hầu hết những nguồn hàng này được chuyển đến các cơ sở giết mổ thịt heo không rõ nguồn gốc. Thực tế kiểm tra tại hộ gia đình ông Huỳnh Văn Đắc, ngụ tại Bình Chánh ngày 12-11 cơ quan chức năng đã lập biên bản tiêu hủy toàn bộ 19 con heo (238kg) và 16 miếng thịt heo (127kg) đã giết mổ trong quầy thịt nhơ nhớp, biến chất. Toàn bộ lô hàng trên đều chưa qua kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y, không có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật.

Đáng lo ngại hơn trong đợt kiểm tra dịch tễ đầu tháng 11 qua kết quả xét nghiệm Chi cục thú y thành phố đã phát hiện đàn heo tại ba hộ chăn nuôi thuộc hai xã Xuân Thới Sơn và Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn dương tính với bệnh heo tai xanh chủng Trung Quốc. Toàn bộ gần 50 con heo tại các hộ chăn nuôi này đã được thu gom và tiến hành tiêu hủy. Chi cục thú y đang giám sát chặt chẽ việc xuất nhập đang tại khu vực này để đồng thời thực hiện vệ sinh khử khuẩn hạn chê dịch bệnh lây lan.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố nhận định, thời gian tới tình hình dịch bệnh nhiều khả năng sẽ diễn biến phức tạp do mưa lụt tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó sự biến đổi của thời tiết sang mùa đông giá lạnh sẽ tạo ra điểm nhấn nguy hiểm cho sự xuất hiện của những chủng virus trên gia súc, gia cầm.

Theo Dân Trí