TP.Dĩ An: Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm
(BDO) Thực hiện chuyên đề: “Xây dựng trường mầm non (MN) lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, trong 5 năm qua, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) TP.Dĩ An đã chỉ đạo các trường MN triển khai thực hiện hiệu quả chuyên đề này. Qua đó, trẻ được tham gia các hoạt động học mà chơi, giúp trẻ được khám phá, trải nghiệm qua nhiều hoạt động học tập đa dạng, phong phú.
Các hoạt động giáo dục ở các trường MN TP.Dĩ An luôn lấy trẻ làm trung tâm
Đáp ứng các yêu cầu thực hiện chuyên đề trên, Phòng GD-ĐT TP.Dĩ An đã mua sắm bổ sung trang thiết bị cấp phát kịp thời các đơn vị. Các trường MN được trang cấp đầy đủ các trang thiết bị, như: Màn hình thông minh, máy vi tính, đồ chơi thông minh phục vụ cho hoạt động vui chơi, học tập của trẻ phù hợp với từng độ tuổi. Bên cạnh đó, các trường còn được trang bị các loại đồ chơi ngoài trời đa dạng, phong phú, an toàn phù hợp với trẻ.
Ông Lê Minh Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT thành phố đánh giá, các trường còn tham mưu với các cấp trang cấp trang thiết bị với những đồ dùng phục vụ cho hoạt động như làm sân bóng, khu trải nghiệm, khu chơi với cát, nước, khu vườn cổ tích, trải cỏ các khu vực vui chơi của trẻ, bạt che nắng, bàn ghế, kệ đồ chơi, phục vụ cho trẻ vui chơi và học tập.
Có được cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ, ngành GD-ĐT TP.Dĩ An còn quan tâm bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ có chuyên môn cùng thực hiện tốt chuyên đề trên. Hàng năm, Phòng GD-ĐT còn tổ chức thao giảng cụm, thao giảng theo chuyên đề để các trường công lập, ngoài công lập rút kinh nghiệm. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cô đã thể hiện được tài năng qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục luôn lấy trẻ làm trung tâm. Trường MN Võ Thị Sáu là một trong số những trường vận dụng thực hiện chuyên đề thành công, được các trường đến tham quan học tập kinh nghiệm. Quả thật, nhiều lần đến trường này, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi môi trường sạch sẽ, khuôn viên sân chơi được bố trí khoa học, hợp lý giữa các khu hoạt động ngoài trời của trẻ. Sân chơi có khu chơi thể thao, khu chơi với cát và nước; khu vườn của bé; ở khu vui chơi “Thử tài của bé”, trẻ được thao tác cụ thể với nghề làm gốm tạo ra các sản phẩm từ đất sét; khu dân gian với khung cảnh làng quê thanh bình. Cô Trần Thị Kim Chung, Hiệu trưởng trường MN Võ Thị Sáu đúc kết: “Mục tiêu của giáo dục MN chính là hình thành nhân cách ban đầu cho trẻ. Vì vậy yêu cầu phương pháp giáo dục ở trường MN là “lấy trẻ làm trung tâm”. Song các điều kiện để thực hiện được phương pháp giáo dục “lấy trẻ là trung tâm” là cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ theo hướng kích thích tính chủ động và sự sáng tạo của trẻ”.
Có một thực tế, các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”, là nền tảng để các trường MN thực hiện chuyên đề nêu trên được thuận lợi hơn. Qua tìm hiểu cho thấy, các nội dung trong xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm được các đơn vị quan tâm, như: Bảo đảm an toàn, vệ sinh, bố trí, sắp xếp tương đối hợp lý, thuận tiện cho trẻ khi sử dụng, phục vụ cho tất cả các hoạt động trong trường MN. Khi thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” các trường MN không chỉ giúp trẻ được khám phá, trải nghiệm nhiều hoạt động học tập đa dạng, phong phú mà còn tạo cơ hội để các cháu được bộc lộ cảm xúc, nhận định của mình; đặc biệt, khả năng tư duy, giao tiếp và vốn ngôn ngữ của các cháu đều được phát triển. Ngoài ra, trẻ còn được rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại và ý thức làm việc nhóm.
“Thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” giáo viên luôn đặt trẻ vào vị trí trung tâm của hoạt động giáo dục, là phương pháp chăm sóc, giáo dục chủ động và bảo đảm trẻ được phát triển toàn diện. Trẻ được trải nghiệm bằng nhiều cách khác nhau trong các hoạt động, những hình thức giáo dục phong phú trong lớp hay ngoài trời, đã tạo nhiều hứng thú và khả năng sáng tạo ở trẻ. Mỗi trẻ đều có cơ hội tốt nhất có thể để thể hiện năng lực bản thân và giáo viên đều nắm vững phương pháp, nên tất cả môi trường giáo dục trong hay ngoài lớp giáo viên luôn giữ vai trò trợ giúp để hình thành cho trẻ ý thức tự chủ trong học tập”. (Ông Lê Minh Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Dĩ An) |
HỒNG THÁI