TP.Dĩ An: Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, theo hướng thông minh

Thứ sáu, ngày 06/10/2023

(BDO) Thời gian qua, TP.Dĩ An đã tập trung đầu tư, nâng cấp chỉnh trang và phát triển hạ tầng giao thông thông minh, từng bước đồng bộ, hiện đại, gắn kết với hạ tầng giao thông các khu vực đô thị lân cận. Từ đó, tạo sự liên kết khu vực, liên kết vùng nhằm phát huy vai trò đầu mối giao thông quan trọng khu vực phía Nam của tỉnh.

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ 

Trong giai đoạn 2021-2023, TP.Dĩ An đã tích cực phối hợp hỗ trợ các công trình do Trung ương, tỉnh và các chủ đầu tư khác triển khai thực hiện, như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.743 đoạn từ Miếu ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần;… 

Công trình đường trục chính Đông Tây đang được TP.Dĩ An đẩy nhanh tiến độ

UBND thành phố cũng đã tập trung chỉ đạo các ngành, các phường, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của thành phố đầu tư nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới các tuyến giao thông theo đúng định hướng quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ về các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính lưỡng dụng, sử dụng trong tương lai cũng như tập trung đầu tư các tuyến đường mang tính động lực, phát triển các khu vực. 

Đến nay, trên danh mục 36 công trình do thành phố thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, một số công trình, dự án đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó 7 công trình đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: đường liên khu phố Tây A – Tây B, Nâng cấp mở rộng đường tổ 6 khu phố Tây A; Cải tạo, sữa chữa vỉa hè đường Trần Hưng Đạo; Xây dựng đường và hê thống thoát nước đường Lê Văn Tiên;… 

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết:

Để đảm bảo việc triển khai thực hiện Chương trình số 23-CTr/TU ngày 31-12-2021 của Thành ủy về tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Dĩ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tập trung, nhanh chóng, hiệu quả, đúng định hướng và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế khó khăn,… thuộc thẩm quyền của thành phố, UBND thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Tổ giúp việc nhằm kịp thời tham mưu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quy hoạch và đầu tư công trên địa bàn. Đồng thời, báo cáo, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch hàng năm đề ra. 

UBND các phường cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, quán triệt trong đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động và tầng lớp nhân dân về thực hiện cải tạo, chỉnh trang, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị của phường đến năm 2030 bằng nhiều hình thức như thông qua hội nghị, họp giao ban, thông qua đoàn viên, hội viên và truyền thanh đã tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

Việc thực hiện chương trình bước đầu đạt được khá toàn diện. Một số công trình trọng điểm, kết nối khu vực, chỉnh trang đô thị đã được tập trung triển khai đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết việc đi lại, kết nối giữa các khu vực…

7 công trình đang thi công gồm: xây dựng đường Bắc Nam 3; Trục chính Đông Tây: đoạn từ Quốc lộ 1A  (bến xe miền Đông mới) đến giáp Quốc lộ 1K; Xây dựng đường từ Trần Hưng Đạo đi Võ Thị Sáu; Xây dựng đường kênh T5B; Xây dựng hạ tầng khu Tái định cư Đông Hòa;… Bên cạnh đó, 11 công trình đang triển khai các bước trình tự đầu tư; 1 công trình đang trong giai đoạn nghiên cứu phương án. 

Các công trình trên đã, đang và sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển chung đô thị, tạo bộ mặt khang trang, mỹ quan đô thị, nâng cao mức sống người dân.

UBND TP.Dĩ An đã thống nhất theo định hướng quy hoạch của tỉnh về vị trí, quy mô của các khu vực phát triển đô thị dọc theo tuyến giao thông công cộng (TOD) trên tuyến đường Vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn). Ngoài ra, qua rà soát các khu vực dọc theo tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, UBND thành phố xem xét, kiến nghị Sở xây dựng bổ sung thêm 2 khu vực định hướng phát triển TOD. 

Cụ thể, khu vực bên trái tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn (khu vực hầm mỏ khai thác đá Tân Đông Hiệp – đã đóng cửa), quy mô 97,03 ha; khu vực bên phải Mỹ Phước - Tân Vạn (khu vực nghĩa địa Triều Châu), quy mô 48,91 ha.

Bên cạnh đó, qua rà soát các định hướng quy hoạch, TP.Dĩ An đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, Sở Xây dựng 7 vị trí đang thi công, nhằm phát triển đô thị trên địa bàn thành phố tại các phường: Tân Bình, Bình An, Bình Thắng với quy mô khoảng 235 ha. Các khu vực đề xuất phát triển nhà ở xã hội từ đất KCN, đất sản xuất kinh doanh xen lẫn khu dân cư khi hết hạn thuê đất với quy mô khoảng 110 ha.

Kêu gọi xã hội hóa các công trình

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố vẫn gặp một số hạn chế, khó khăn. Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện chương trình còn chậm, chưa kịp thời. Việc bố trí các nguồn vốn tuy có quan tâm nhưng do ngân sách có hạn, dẫn đến việc đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. 

Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai trình tự thủ tục, thực hiện thi công các dự án, công trình chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Một số khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án như điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án, bàn giao mặt bằng bố trí tái định cư cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao. Mặt khác, việc xã hội hóa đầu tư các tuyến đường gặp khó khăn do chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ các đơn vị đầu tư;…

Thời gian qua, TP.Dĩ An đã phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh

Năm 2023 là năm tập trung quyết liệt, phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra của Chương trình 23, Kế hoạch 2039/KH-UBND giai đoạn 2021-2025, nhất là đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn có tính kết nối khu vực, liên vùng. Để hoàn thành các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh, TP.Dĩ An đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới. 

Cụ thể, thành phố chú trọng quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường đồng bộ; thực hiện ngầm hóa các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như cấp, thoát nước, cáp quang, cấp điện, cây xanh,... tránh trường hợp phải đào cắt, sửa chữa nâng cấp ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình. 

Bên cạnh đó, để thực hiện cải tạo, chỉnh trang xây dựng kết cấu hạ tầng trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, thành phố sẽ đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa các công trình, nhất là các công trình giao thông.

Theo ông Phạm Văn Bảy, UBND thành phố sẽ kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế nhằm tận dụng được các nguồn xã hội hóa để đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội theo kế hoạch được ban hành; đồng thời cho chủ trương đấu giá các vị trí đất công nhằm tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư cho việc phát triển đô thị. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp trên; kiến nghị tỉnh sớm triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt là công trình nút giao Cầu vượt Sóng Thần, đường từ nút giao Cầu vượt Sóng Thần ra Phạm Văn Đồng (Nâng cấp, mở rộng đường An Bình kết nối cầu vượt Sóng Thần), đường Vành Đai 3. Kiến nghị tỉnh tạo điều kiện về hỗ trợ nguồn lực để Dĩ An có thể hoàn thành các công trình, dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm đã đề ra; các công trình tạo điểm nhấn đô thị.

Trong xây dựng hệ thống giao thông thông minh, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương giao Công an thành phố thực hiện dự án Xây dựng hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Ngoài ra trên địa bàn các phường hiện đã lắp đặt 429 camera an ninh trên các tuyến đường nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự, làm cơ sở để tra cứu dữ liệu khi cần thiết...

Phương Lê - Hoàng Phong

Từ khóa: