TP.Dĩ An: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, ngày 14/08/2020

(BDO) Nâng cao chất lượng, số lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), góp phần đào tạo nghề trong quá trình xây dựng nông thôn mới… Đó là kết quả mà TP.Dĩ An đã đạt được trong 10 năm qua.


Đào tạo nghề cắm hoa cho lao động nông thôn

Tạo điều kiện cho người học tạo việc làm

Trong những năm qua, TP.Dĩ An đã thu hút hàng ngàn doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, tạo ra nhiều của cải, vật chất cho xã hội và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, TP.Dĩ An cũng gặp phải những khó khăn, thách thức trong công tác an sinh xã hội trong điều kiện dân số cơ học tăng cao dẫn đến những bất cập trong việc đáp ứng với nhu cầu về y tế, giáo dục, nhà ở, vui chơi, giải trí, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động trong và ngoài địa phương.

Vì vậy việc triển khai đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ trên địa bàn TP.Dĩ An rất phù hợp và có hiệu quả. Cụ thể giai đoạn từ năm 2010-2015, TP.Dĩ An đã đào tạo 694 học viên là LĐNT; trong đó nhóm nghề nông nghiệp 27 người, nhóm nghề phi nông nghiệp 667 người, đạt tỷ lệ so với kế hoạch giai đoạn là 115,66%. Bước sang giai đoạn 2016-2019, tổng số LĐNT trên địa bàn thành phố đã tham gia các lớp đào tạo là 641 người; trong đó nhóm nghề nông nghiệp 40 người, nhóm nghề phi nông nghiệp 601 người, đạt tỷ lệ so với kế hoạch giai đoạn 106,8%. Phấn đấu năm 2020, tổng số LĐNT trên địa bàn thành phố được đào tạo nhóm nghề là 120 người, đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch giai đoạn.

Ông Trần Văn Hợp, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Dĩ An cho biết để đạt được kết quả đề ra, UBND TP.Dĩ An kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo danh mục của UBND cấp tỉnh phê duyệt. Hàng năm, thực hiện theo nghị quyết của Thành ủy Dĩ An về việc thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn; Ban Chỉ đạo thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT. Có văn bản tuyên truyền chiêu sinh các lớp đào tạo nghề theo danh mục nghề tỉnh phê duyệt và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bước sang giai đoạn tiếp theo trong xây dựng nông thôn mới, TP.Dĩ An tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng: Dạy nghề theo địa chỉ, dạy theo nhu cầu gắn với giải quyết việc làm nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho người học. “Chọn hướng đào tạo nghề xuất phát từ nhu cầu thực tiễn địa phương thông qua việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân và những kết quả điều tra, dự báo hướng phát triển của các nghề là hướng đi mà địa phương đã lựa chọn. Đây được cho là hướng đi đúng, thành công, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao của thành phố”, ông Hợp cho biết thêm.

Đa dạng các chương trình, chính sách đào tạo nghề

Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn TP.Dĩ An thực hiện theo đúng đề án của Trung ương, tỉnh và của thành phố trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho LĐNT trên địa bàn, đồng thời thực hiện hỗ trợ cho vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội TP.Dĩ An nhằm tạo điều kiện cho người học tạo việc làm sau khi học nghề, giúp cải thiện kinh tế hộ gia đình, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp và giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, TP.Dĩ An đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có việc gắn kết đào tạo với doanh nghiệp và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở đào tạo. Với phương châm “học đi đôi với hành”, “đào tạo gắn với nhu cầu xã hội”, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở TP.Dĩ An thời gian qua bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều LĐNT đã có việc làm và thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn do địa phương phối hợp với các ban, ngành tổ chức.

Các chương trình, chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động được sự phối hợp đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, hàng năm đều xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện, phân công các thành viên Ban Chỉ đạo và ban, ngành, đoàn thể thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho LĐNT trên địa bàn biết các chính sách ưu đãi của chương trình đào tạo nghề, giúp người lao động nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu về trình độ kỹ thuật tiên tiến của nền công nghiệp hiện đại.

Những nỗ lực của chính quyền và người dân, doanh nghiệp đã và đang cho thấy, đào tạo nghề cho LĐNT gắn với giải quyết việc làm là hướng đi bền vững giúp địa phương sớm hoàn thành tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

“Để phát huy những kết quả đạt được, TP.Dĩ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về đào tạo nghề cho LĐNT, làm thay đổi cơ bản nhận thức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về việc học nghề là điều kiện để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới; gắn đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; mua sắm trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch dạy nghề LĐNT trên địa bàn”.

(Ông Trần Văn Hợp, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Dĩ An)

 TƯỜNG VY