Tổng Thư ký LHQ lạc quan trước triển vọng hòa bình ở Ethiopia
(BDO)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 19/1 đã điện đàm với đại diện cấp cao của Liên minh châu Phi (AU) tại vùng Sừng châu Phi - ông Olusegun Obasanjo để trao đổi quan điểm về cuộc xung đột ở Ethiopia.
Cuộc điện đàm diễn ra sau chuyến thăm mới nhất của ông Obasanjo tới Addis Ababa và Mekelle - thủ phủ của bang Tigray.
Trong cuộc điện đàm, ông Obasanjo đã thông báo cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về các nỗ lực đang được Chính phủ Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt tình trạng xung đột bạo lực.
Về phần mình, ông Guterres đã bày tỏ vui mừng trước triển vọng đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang ở miền Bắc Ethiopia.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chia sẻ: “Ông Obasanjo bày tỏ lạc quan rằng hiện có một cơ hội thực sự để đạt được một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc xung đột. Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ tiến trình đối thoại, hòa bình, an ninh và hòa giải toàn diện ở Ethiopia.”
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng đề nghị “cộng đồng quốc tế phải tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu tất cả các bên liên quan thể hiện sự chân thành và cam kết đối với tiến trình hòa bình.”
Ông cho biết mặc dù tiến trình hòa bình do AU dẫn đầu đang mang lại nhiều hy vọng, song Liên Hợp Quốc vẫn lo ngại về tình hình nhân đạo ở các khu vực khác nhau của Ethiopia, đồng thời kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột hỗ trợ và tạo điều kiện cho những nỗ lực trong nước và quốc tế nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người có nhu cầu.
Xung đột bắt đầu nổ ra vào đầu tháng 11/2020 khi các lực lượng chính phủ tấn công vào Tigay sau khi TPLF tấn công bộ chỉ huy quân sự miền Bắc của Các lực lượng quốc phòng Ethiopia (ENDF).
Sau đó, TPLF đã chiếm lại hầu hết khu vực Tigray và tiến đến gần thủ đô Addis Ababa. Xung đột đã mở rộng về phía Nam đến các vùng Amhara và Afar lân cận.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, xung đột đã khiến hàng nghìn người Ethiopia thiệt mạng, hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Xung đột leo thang cũng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bất ổn lan rộng ở vùng Sừng châu Phi./.
Theo TTXVN