Tổng thống Sarkozy đặt lộ trình giải quyết xung đột Palestine-Israel

Thứ bảy, ngày 24/09/2011

Liên quan đến việc Palestine xin trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, Tổng thống Pháp đề nghị trao quy chế nhà nước quan sát viên cho Palestine giống như Vatican đang được hưởng hiện nay.

Trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại LHQ, ông Obama loại trừ tất cả các thỏa hiệp với phía Palestine. Ngược lại, Tổng thống Pháp đặt “dấu ấn” của mình trong ngày khai mạc kỳ họp của Đại hội đồng LHQ bằng cách đề nghị “thay đổi cách thức” giải quyết xung đột giữa Palestine và Israel.

  Tổng thống Sarkozy muốn tạo dấu ấn của mình trong việc giải quyết xung đột giữa Palestine và Israel.

Trong vấn đề này, Tổng thống Pháp mong muốn có sự tham gia tích cực hơn nữa của châu Âu và các nước Arab trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông cũng gián tiếp nói đến Mỹ khi cho rằng “nên thôi ảo tưởng về việc một nước duy nhất - dù nước này có lớn thế nào - có thể giải quyết được cuộc xung đột này”.

Trước tình hình đàm phán hòa bình Trung Đông bế tắc, Tổng thống Pháp kêu gọi hai bên nối lại ngay các cuộc đàm phán mà không định ra các điều kiện tiên quyết. Nói cách khác, không cần phía Israel phải chấm dứt việc xây dựng các khu định cư Do thái như theo yêu cầu của Tổng thống Palestine Abbas. Mục đích của Pháp là đi đến giải pháp “hai nhà nước cho hai dân tộc trên cơ sở đường biên giới năm 1967 với những trao đổi lãnh thổ hợp lý” - đề xuất này có phần giống đề xuất được Tổng thống Obama đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp còn đi xa hơn người đồng nhiệm Mỹ khi đề ra một lộ trình cụ thể: “Nối lại đàm phán trong vòng một tháng tới, 6 tháng để di đến thống nhất về vấn đề biên giới và an ninh, một năm để đi tới thỏa thuận cuối cùng”. Chưa hết, với kinh nghiệm trong vấn đề Libya, Tổng thống Pháp còn đề xuất tổ chức một hội nghị về các nhà tài trợ để giúp đỡ Palestine hoàn thiện việc xây dựng nhà nước của mình trong tương lai “ngay mùa thu này”.

Trong khi Mỹ phê phán bước đi đơn phương của Palestine, Tổng thống Sarkozy cũng cho rằng: “Ai cũng biết rằng sự thừa nhận đầy đủ nhà nước Palestine ngay ở thời điểm này là không thể”. Ông cũng “đe dọa” việc phủ quyết ở Hội đồng bảo an sẽ làm dấy lên một làn sóng bạo lực ở Trung Đông.

Để tránh bị phê phán khi Pháp chưa đưa quan điểm về vấn đề Palestine, Tổng thống Pháp đề xuất một quy chế trung gian cho Palestine đó là “Nhà nước Quan sát viên”. Giống như Vatican, nếu có được quy chế này Palestine sẽ có thể gia nhập các tổ chức như Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Hình sự quốc tế…

Hiện Palestine có hai hướng đi để đưa yêu cầu của mình lên LHQ.

Nếu thông qua Đại hội đồng, để đạt được quy chế này Palestine cần có sự ủng hộ của 125 nước trên tổng số 193 thành viên của LHQ tại Đại hội đồng.

Nếu thông qua Hội đồng bảo an, nếu Palestine vẫn muốn đưa vấn đề ra Hội đồng bảo an thì nước này phải có được sự ủng hộ của 9/15 thành viên Hội đồng bảo an LHQ và không có thành viên thường trực nào phủ quyết. Điều này là quá khó vì gần như chắc chắn Mỹ sẽ dùng quyền phủ quyết của mình.

Tổng hợp