Tổng thống Pháp “dọa” tấn công Iran
Sau thắng lợi trong cuộc chiến Libya, Tổng thống Pháp Sarkozy “nổi hứng” đe dọa tấn công Iran. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tuyên bố này 90% là không khả thi.
“Những tham vọng về quân sự, hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran đặt ra những nguy cơ ngày càng hiện hữu, có thể dẫn tới một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở của Iran và gây nên một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà Pháp muốn tránh bằng mọi giá…”, ông Sarkozy lớn tiếng tuyên bố.
Lãnh đạo Pháp cũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế có thể đưa ra phản ứng một cách hiệu quả trước những mối đe dọa hạt nhân của Iran nếu thể hiện rõ tính thống nhất, sự cương quyết và thậm chí là áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.
Ông Sarkozy dọa tấn công Iran để đánh lạc hướng dư luận.
Giải mã cho sự cương quyết của Pháp, giới phân tích cho rằng, dường như ông Sarkozy đang muốn làm sống dậy tinh thần của cựu Hoàng đế Napoleon; đồng thời cho thấy tham vọng vượt mặt Mỹ trong cuộc chiến chống lại Iran.
Bên cạnh đó, sự lớn tiếng của ông Sarkozy còn giúp ông đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề thực tại. “Lùm xùm” nhất trong số đó là cuộc “chia chác chiến lợi phẩm” ngay khi cuộc chiến Libya còn chưa kết thúc.
Các công ty dầu mỏ Pháp đòi quyền kiểm soát 35% nguồn dầu của Libya còn Thủ tướng Italy Berlusconi tuyên bố, nước này cũng phải được chia phần dầu mỏ và khí đốt của Libya bởi Italy tích cực tham gia vào cuộc chiến chống lại nhà lãnh đạo Gaddafi từ giai đoạn đầu. Trong khi đó, Mỹ, Anh và Đức cũng không giấu giếm sự thèm khát của mình đối với trữ lượng dầu khổng lồ của đất nước Bắc Phi.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, dù là vì lý do gì thì tham vọng tấn công phủ đầu của Tổng thống Pháp cũng khó có thể thực hiện. Chiến dịch quân sự nhằm vào Iran sẽ mãi chỉ nằm trong giấc mộng của lãnh đạo Pháp nếu quốc gia này không cầu cạnh các đồng mình NATO. Lý do là bởi Paris chỉ có trong tay một căn cứ quân sự tại Các tiểu vương quốc Arab cùng với tàu sân bay Charles de Gaulle đang phải tu sửa.
Nếu muốn tấn công Iran, việc đầu tiên Pháp phải làm là giành được sự ủng hộ từ phía Mỹ. Đây là một thách thức không nhỏ bởi nếu có thể thì Washington tấn công Tehran từ lâu, không cần đến sự “dắt mũi” của Paris.
Bên cạnh đó, giới chức Lầu Năm Góc hiểu rõ rằng, quân đội Iran có tiềm lực lớn mạnh hơn nhiều so với Libya. Thực tế, phản ứng ngay sau tuyên bố của Tổng thống Pháp, Iran cảnh báo nước này sẽ “không do dự” trả đũa một cuộc tấn công của nước ngoài trong bản kháng nghị chính thức gửi đến Liên hiệp quốc.
Không chỉ vậy, sự sa lầy của Mỹ tại hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq khiến dư luận nước này khó có thể chấp nhận chuyện Washington sẽ lại phải hao công tốn của vào một cuộc chiến khác, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đất nước đang đứng trước ngưỡng cửa suy thoái mới.
Một khi dư luận không chấp nhận thì ông Obama chắc chắn sẽ không làm liều bởi ông đang trong giai đoạn nhạy cảm trước kỳ bầu cử Tổng thống năm 2012.
Nếu không được sự trợ giúp từ Mỹ thì ít ra Pháp cũng phải kêu gọi Israel chung tay giúp sức. Tuy nhiên, nhà nước Do Thái cũng khó có thể gật đầu. Không thể phủ nhận tham vọng phá hủy chương trình hạt nhân Iran của Israel song quốc gia này có lẽ muốn mượn “bàn tay rắn rỏi” của Washington tấn công Tehran hơn là dựa lưng vào một thế lực không mấy đảm bảo như Paris, để rồi phải hứng chịu hàng nghìn tên lửa tầm trung và tầm ngắn từ Iran.
Và như vậy, tham vọng thừa thắng xông lên, tấn công phủ đầu Iran của Tổng thống Sarkozy có lẽ sẽ chỉ có thể dừng lại ở tuyên bố bởi cuối cùng ông sẽ phải nhận ra rằng, dù muốn đến mấy thì phương Tây cũng chưa thể tấn công Iran vào lúc này. Cuộc tấn công đó chỉ đang trong giai đoạn "trứng nước".
Theo Pravda