Tổng thống Chile: Người hóa giải hận thù và thay đổi truyền thống bảo thủ
(BDO) Đắc cử Tổng thống Chile lần đầu vào năm 2006 và cũng là nữ tổng thống đầu tiên của đất nước Nam Mỹ này, bà Michelle Bachelet (tên đầy đủ là Verónica Michelle Bachelet Jeria) với khả năng lãnh đạo quyền biến cùng chủ trương xây dựng một chính quyền hết lòng vì dân đã đưa Chile dần hội nhập kinh tế thế giới, xã hội Công giáo bảo thủ truyền thống dần thay đổi với những điều luật tiến bộ.
Người dân Chile cần một sự thay đổi đích thực về dân chủ, xã hội, một sự tiến bộ về “văn hóa chính trị” và bà Michelle Bachelet là người có thể thỏa mãn được kỳ vọng đó. Còn nhớ, trong những tháng đầu tiên trên cương vị Tổng thống, cựu Bộ trưởng Y tế, cựu Bộ trưởng Quốc phòng (thời các tổng thống tiền nhiệm) đã cùng các cộng sự triển khai chương trình “100 ngày, 36 lời hứa”, trong đó có những việc cấp thiết như cải tổ hệ thống tiền lương và giáo dục trước tuổi đến trường, tăng mức lương hưu, khai trương nhiều trung tâm phục hồi sức khỏe áp dụng chế độ chăm sóc y tế miễn phí cho các công dân trên 60 tuổi, cải thiện hệ thống an ninh xã hội...
Với những chính sách hướng tới người dân và tiếp tục tăng cường sức mạnh kinh tế thương mại của Chile, Tổng thống Michelle Bachelet rất được công chúng ngưỡng mộ, trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng khắp Chile và cả khu vực Nam Mỹ. Michelle Bachelet đã thể hiện mình xứng đáng đứng trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí uy tín Forbes bầu chọn trong các năm từ 2006-2014 (năm bà đảm nhiệm cương vị Tổng thống Chile lần thứ hai).
Theo Hiến pháp Chile, bà Michelle Bachelet không được phép tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 liên tiếp vào năm 2010, dù khi ấy, tỉ lệ người dân tín nhiệm và ủng hộ bà vẫn ở mức cao. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống lần 2 vào cuối năm 2013, bà Michelle Bachelet cam kết chi 15 tỉ USD để cải cách ngành giáo dục, cải thiện dịch vụ y tế và giảm khoảng cách giàu-nghèo. Bà cũng muốn tăng thuế để bù đắp chi phí triển khai chương trình giáo dục đại học miễn phí và cải cách cơ cấu kinh tế - chính trị có từ thời nhà độc tài Pinochet cầm quyền từ năm 1973-1990.
Tổng thống Chile Michelle Bachelet.
Khi nhận được câu hỏi của các hãng thông tấn, cơ quan báo chí về “mối thù” với Pinochet, người đã đẩy cha bà vào nhà tù với tội danh phản quốc để rồi bị tra tấn dã man và chết không lâu sau đó, bà đã thẳng thắn nói: “Sống tốt chính là sự trả thù tốt nhất”
Bà tâm sự: “Trong đời, tôi từng hứng chịu những bạo lực (bà và mẹ bà từng là tù nhân của trại giam khét tiếng tàn bạo Villa Grimaldi), những gì tôi yêu quý nhất từng bị phá hủy. Tôi đã trở thành nạn nhân của thù hận, nhưng giờ, tôi muốn dành cả đời mình để hóa giải những thù hận đó. Có một người chắc hẳn đang rất tự hào khi nhìn tôi sống với phương châm này. Người đó chính là cha tôi!”.
Trong năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch trong công cuộc phát triển kinh tế, tháng 5-2014, bà Michelle Bachelet đã công bố chiến lược an ninh năng lượng mới trị giá 650 triệu USD, trong đó chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời song song với sử dụng hợp lý nguồn nhiên liệu hóa thạch, hạn chế nhập khẩu năng lượng.
Bà cho biết, theo kế hoạch trong 4 năm nhiệm kỳ của mình, tất cả các tòa nhà công cộng lớn sẽ được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời dùng để chiếu sáng và phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Chính phủ cũng sẽ tăng vốn đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Chile để mở rộng hoạt động thăm dò - khai thác, đồng thời cho xây dựng một trạm trung chuyển khí hóa lỏng ở miền Trung Nam nước này.
Chiến lược an ninh năng lượng của Tổng thống Michelle Bachelet nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính giới và các nhà hoạt động môi trường vốn phản đối hoạt động của các nhà máy sản xuất điện vận hành bằng than đá và các đập thủy điện trong nước.
Được biết, nguồn điện của Chile phụ thuộc chủ yếu vào các nhà máy thủy điện và nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu từ các nước. Theo giới phân tích, quốc gia Nam Mỹ này cần tăng gấp ba sản lượng điện hiện nay trong vòng 15 năm tới để tiếp tục mở rộng nền kinh tế.
Tháng 2 năm nay, Chile đã có những bước đi đầu tiên để hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới khi Tổng thống Michelle Bachelet tuyên bố: “Hôn nhân đồng giới không chỉ là yêu cầu của hệ thống tư pháp quốc tế mà còn là nhu cầu hợp pháp của xã hội Chile”. Tuy nhiên, Chile vẫn có phe cánh chính trị chống lại người đồng tính sau khi Augusto Pinochet Molina - cháu nội của nhà độc tài Pinochet - thành lập một đảng chính trị chống lại cộng đồng người đồng tính vào năm 2014.
Theo tờ The Guardian, đảng của hậu duệ tướng Pinochet có tên là “Orden Republicano Mi-Patria”, có quan điểm phản đối mạnh mẽ hôn nhân đồng giới, cải cách giáo dục và phá thai, nhưng lại ủng hộ hợp pháp hóa... cần sa! Ở quốc gia có truyền thống bảo thủ sâu sắc này, việc nới lỏng lệnh cấm phá thai là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Michelle Bachelet.
Từ năm 2015, bà đã tích cực vận động bãi bỏ lệnh cấm phá thai được ban hành năm 1989 dưới chế độ độc tài Pinochet. Và ngày 2-8 vừa qua, Thượng viện Chile đã thông qua quyết định nới lỏng lệnh cấm phá thai. Theo quyết định này, thai phụ được phép phá thai trong trường hợp bị hãm hiếp hoặc nếu cuộc sống của thai phụ gặp nguy hiểm, cũng như khi thai nhi có khuyết tật ảnh hưởng đến tính mạng.
Không chỉ trung thành với khẩu hiệu tranh cử cách đây đã hơn 10 năm “Tôi đứng về phía các bạn”, bà Michelle Bachelet còn là người nhìn xa trong quyết sách phát triển đất nước bền vững. Thời điểm cuối tháng 10 vừa qua, bà ký một dự luật tiến tới cấm sử dụng túi nilon ở hơn 102 khu vực gần bờ biển nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển và ngăn chặn tình trạng “nilon xâm nhập đại dương”. Được biết, Chính phủ Chile có kế hoạch xây dựng 1,6 triệu km2 khu bảo tồn biển tính đến năm 2018...
Theo TTXVN