Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức 62,5 tỷ USD

Thứ sáu, ngày 27/12/2024

(BDO) Chiều 27-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các lãnh đạo sở, ngành liên quan.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2024, ngành NN&PTNT vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục là điểm sáng, phát triển ổn định, thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Dương

Theo đó, giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức tăng trưởng 3,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó xuất khẩu nông sản chính ngạch 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính ngạch 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, nhất là công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định phục hồi sản xuất.

Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT và các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, ngành cần định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế nông thôn.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ngoại giao nông nghiệp và mở cửa thị trường, đặc biệt là các thị trường còn nhiều tiềm năng, như: Halal, Trung Đông, Châu Mỹ...; hỗ trợ các địa phương kết nối, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch qua chuỗi phân phối bán lẻ, sàn thương mại điện tử…

Phương Anh