Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Góp phần thay đổi nhận thức về công tác phòng, chống bạo lực gia đình
(BDO) Thời gian qua, công tác triển khai, thi hành Luật Phòng chống, bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá đồng bộ, có sự phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp. Hôm qua (30-10), Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành luật này nhằm đánh giá lại những việc đã làm được, những mặt còn tồn tại, hạn chế cũng như vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống BLGĐ…
Bạo lực gia đình - Nỗi đau của xã hội
Theo thống kê mới nhất, từ năm 2008 đến giữa năm 2018, Tòa án Nhân dân 2 cấp trong tỉnh đã giải quyết 38.620 vụ án hôn nhân gia đình. Trong đó, hòa giải thành là 33.391 vụ, đạt tỷ lệ 86,5%, xét xử cho ly hôn là 5.229 vụ, chiếm tỷ lệ 13,5%.
Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh trao bằng khen cho 31 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Trong tổng số vụ án hôn nhân gia đình tòa thụ lý có 875 vụ có hành vi BLGĐ, chiếm tỷ lệ 2,62%. Trong đó có 874 trường hợp người bị bạo lực là vợ của người gây bạo lực. Độ tuổi từ 16 đến 60. Có 1 trường hợp người bị bạo lực là người dưới 16 tuổi và là thành viên khác trong gia đình.
Theo đánh giá, BLGĐ xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi nơi, mọi lúc và phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội với nhiều loại đối tượng khác nhau. Đối tượng bị xâm hại, bạo lực chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, là nhân vật yếu thế trong xã hội. Do đó, công tác tuyên truyền phòng, chống BLGĐ là cần thiết hơn bao giờ hết.
Trong 10 năm qua, các thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh, tổ chức in ấn, cấp phát về cơ sở hàng trăn ngàn tờ gấp tuyên truyền phòng, chống BLGĐ; lắp đặt hàng trăm pano tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; tổ chức trên 160 lớp tập huấn, triển khai mô hình “Phòng, chống BLGĐ”; mô hình “Củng cố gia đình văn hóa” giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam”…
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã nhân bản và cấp phát 910 bộ tài liệu gợi ý hướng dẫn sử dụng bộ tranh truyền thông phòng, chống BLGĐ; tài liệu tuyên truyền phòng, chống BLGĐ cho cán bộ hội, thành viên Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với pháp luật”, thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy”. Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã xây dựng 379 địa chỉ tin cậy với 1.416 thành viên.
Phòng, chống bạo lực gia đình, trách nhiệm không của riêng ai
Trong những năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm kéo giảm BLGĐ. Đã có nhiều mô hình, giải pháp phát huy hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống BLGĐ. Điển hình như mô hình “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” của Hội LHPN xã Vĩnh Hòa (huyện PHú Giáo) được thành lập từ năm 2012. Ban điều hành có 21 thành viên, có 1 trưởng ban, 2 phó ban, bước đầu thành lập được 9 địa chỉ tin cậy, đến nay phát triển thêm 11 địa chỉ với 25 thành viên.
Từ năm 2012 đến nay, mô hình đã tiếp nhận và giúp đỡ cho 8 đối tượng yếu thế bị bạo hành, trong đó có 1 trẻ em bị người thân bạo hành. Đến với “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”, các nạn nhân được hỗ trợ nơi tạm lánh, hỗ trợ ổn định tâm lý, tư vấn các vấn đề có liên quan...
Một mô hình khác tại TX.Tân Uyên có tên “Nhóm phòng, chống BLGĐ” cũng phát huy hiệu quả không kém. Cùng với hoạt động của CLB “Gia đình phát triển bền vững” tại mỗi xã, phường đều thành lập “Nhóm phòng, chống BLGĐ” hoạt động với 2 chức năng: Tư vấn, hòa giải và can thiệp kịp thời các vụ BLGĐ. Tổng số nhóm đã được thành lập trên địa bàn thị xã hiện nay là 71 nhóm. Mỗi nhóm có 5 thành viên, trong đó thành phần chủ chốt gồm công an viên, trưởng ấp, tổ dân phố, chi hội phụ nữ. Từ khi có CLB “Phòng, chống BLGĐ”, các địa chỉ tin cậy, đường dây nóng, hầu hết các vụ BLGĐ được phát hiện, các mâu thuẫn gia đình cơ bản được hòa giải ngay từ cơ sở. Nhiều CLB thường xuyên được củng cố, đổi mới hình thức sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; duy trì hoạt động đều đặn và hiệu quả.
Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban chỉ đạo công tác gia đình, cho rằng: “Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng BLGĐ có thể diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, mọi độ tuổi, giới tính với đủ thành phần và bạo lực dưới mọi hình thức… đã và đang đặt ra cho mỗi chúng ta những suy nghĩ và trăn trở để làm sao thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo. Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống BLGĐ được tổ chức để đánh giá những kết quả đã đạt được, đồng thời xác định mục tiêu giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động phòng, chống BLGĐ trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu, những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả góp phần giảm thiểu tình trạng BLGĐ trong thời gian tới. Qua đó đề xuất, kiến nghị với Trung ương những bất cập, vướng mắc cần phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ (2008-2018), ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, đề nghị: “Chính quyền các cấp cần rà soát lại công việc, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên trong công tác phối hợp. Đặc biệt, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền trong công tác phòng, chống BLGĐ. Các ngành, các cấp cần tập trung cho công tác tuyên truyền trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, tận dụng công nghệ, các kênh thông tin, thông qua các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội sao cho công tác tuyên truyền ngày càng sinh động, đạt hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền cần chú trọng đến những nguyên nhân gây BLGĐ, chẳng hạn như vấn đề bất bình đẳng giới.”
TÂM TRANG