Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: Lợi ích sát sườn của người dân

Thứ hai, ngày 01/04/2019

(BDO)
Điều tra viên điều tra dân số và nhà ở. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Cuộc tổng điều tra về dân số và nhà ở trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của hơn 122.000 điều tra viên đã được triển khai từ 0 giờ ngày 1/4.

Thông tin chung về dân số, tình trạng di cư, hôn nhân, mức độ sinh-chết và phát triển dân số, tình trạng lao động, việc làm, tình trạng về nhà ở và nhiều nội dung thông tin khác sẽ được Tổng cục Thống kê tiến hành thu thập.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng sát sườn tới đời sống của người dân.

Đón nhận sự hưởng ứng của người dân

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, toàn quận có 312 địa bàn và 19 địa bàn đặc thù với hơn 36.902 hộ.

Là một quận trung tâm của thủ đô Hà Nội về thương mại, dịch vụ nên đã thu hút rất nhiều lao động ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc, quá trình tiếp cận các hộ thuê trọ tương đối khó khăn điều tra viên phải đi lại nhiều lần mới gặp được hộ dân để thu thập thông tin.

Điều tra viên Trần Bá Thọ - sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội - cho biết việc lấy thông tin từ các hộ dân và việc trả lời phiếu điện tử giúp cho cả người dân và điều tra viên thực hiện rất thuận lợi, đảm bảo tính chính xác và an toàn thông tin. Người dân cởi mở và biết đến cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở từ trước nên họ rất hợp tác.

Có mặt cùng đi xuống từng hộ dân theo các điều tra viên của phường Hàng Trống, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng trước sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân khi tiếp cận và trả lời các câu hỏi của điều tra viên.

Bà Astrid Bant cho biết đoàn công tác của UNFPA đã tham gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Bình Định... cùng ra quân tổng điều tra dân số với các địa phương của Việt Nam.

"Tại các vùng mà UNFPA tham gia, tôi thấy người dân rất ủng hộ. Đối với một số thông tin phục vụ đánh giá thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng được lồng ghép để thu thập. Đây là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc," bà Astrid Bant chia sẻ.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng ban Ban chỉ đạo Tổng điều tra thành phố Hà Nội, cho biết Hà Nội là một trong hai thành phố có số lượng đơn vị điều tra lớn thứ hai trên cả nước với khoảng 2,2 triệu hộ được chia thành 17.800 địa bàn điều tra.

Để thực hiện khối lượng công việc này, thành phố đã huy động hơn 12.000 điều tra viên thống kê trực tiếp phỏng vấn thu thập thông tin các hộ dân cư.

Có ý nghĩa lớn

Nhận định về tình hình biến động dân số và nhà ở toàn quốc trong 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, cho rằng cuộc sống luôn biến động và công tác dân số cũng như vậy.

So với Tổng điều tra dân số năm năm 2009, 10 năm trôi qua với sự phát triển rất nhanh của kinh tế xã hội đất nước, dân số Việt Nam cũng thay đổi rất nhiều cả về số lượng, cơ cấu, cả về phân bổ... Chính vì vậy, việc tiến hành Tổng điều tra năm 2019 có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối công tác dân số nói chung mà còn tác động tới lợi ích sát sườn của người dân.

Ông Nguyễn Văn Tân cho rằng việc Tổng điều tra dân số và nhà ở vừa là hoạt động mang tính vĩ mô, vừa liên quan đến lợi ích của từng người dân cụ thể.

“Cuộc Tổng điều tra là một cơ hội để tất cả mọi người dân đều được tính đến như là một chủ thể của sự phát triển kinh tế xã hội đồng thời cũng là một người được hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, để cho không ai bị bỏ lại phía sau,” ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh.

Ông Tân lý giải có Tổng điều tra mới đánh giá được diễn biến dân số trong thời gian qua, qua đó xác định có thực hiện đúng chiến lược dân số hay không. Kết quả này không chỉ giúp Việt Nam giám sát quá trình thực hiện, mà còn giúp dự báo được sự phát triển dân số trong những năm tới. Trên cơ sở đó để hoạch định chính sách phát triển dân số nói chung và xây dựng những chính sách cụ thể tác động đến từng người dân.

Đảm bảo thông tin được giữ bí mật

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, cuộc tổng điều tra 2019 có nhiều điểm mới so với trước đây. Cụ thể, công nghệ thông tin được ứng dụng ở tất cả công đoạn. Hộ dân cư có thể tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu điều tra trực tuyến hoặc trả lời trực tiếp điều tra viên.

Ngoài việc sử dụng phiếu giấy in sẵn, tổng điều tra lần này áp dụng thêm hai hình thức mới là điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng Internet.

Bên cạnh thông tin cơ bản, tổng điều tra 2019 sẽ thu thập thông tin chuyên sâu về dân số, nhân khẩu học, nhà ở thông qua điều tra mẫu nhằm đảm bảo tính đại diện của các chỉ tiêu đến cấp huyện, tiết kiệm chi phí điều tra. Hiện nguồn dữ liệu dân số từ các Bộ Tư pháp, Công an, Y tế không đủ chi tiết; quy ước, khái niệm dân số khác nhau. Vì vậy, cuộc tổng điều tra 2019 được kỳ vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin, tiến tới không thực hiện tổng điều tra vào năm 2029.

“Chúng tôi mong mong các hộ gia đình hợp tác chặt chẽ với điều tra viên, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác. Những thông tin cá nhân của người dân sẽ được đảm bảo giữ bí mật, chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, quản lý chung,” ông Lâm nói.

Rút kinh nghiệm trong ngày đầu ra quân, thu thập thông tin một cách hiệu quả, góp phần vào việc thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đề nghị Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan triển khai cuộc tổng điều tra theo đúng tiến độ.

Thành phố chủ trì, phối hợp với các báo, đài tại địa phương để thực hiện tốt tuyên truyền trên phạm vi toàn thành phố; đồng thời, đôn đốc Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của cấp trên. Đặc biệt, thành phố quán triệt việc điều tra viên đến từng hộ để phỏng vấn thu thập thông tin vào phiếu điện tử; không in phiếu giấy (dưới mọi hình thức) để điều tra.

Đối với Ban Chỉ đạo xã, phường, thị trấn, cần tích cực tuyên truyền về tổng điều tra trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn và các hình thức khác; đôn đốc điều tra viên thống kê, tổ trưởng thực hiện tốt việc thu thập thông tin tại địa bàn đảm bảo tiến độ, chất lượng./. 

Theo TTXVN