Tổng Bí thư: Thẩm phán phải công tâm và thượng tôn pháp luật
(BDO)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Sáng 20-3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã đến thăm, làm việc với cán bộ chủ chốt Tòa án Nhân dân tối cao.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình báo cáo Tổng Bí thư về tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của các tòa án từ sau Đại hội Đảng khóa XI đến nay.
Trong thời gian qua, mặc dù tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước tiếp tục được giữ vững và ổn định, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân gia đình, lao động vẫn có xu hướng gia tăng... đặt ra yêu cầu nhiệm vụ nặng nề đối với tòa án các cấp.
Số lượng các loại vụ án mà tòa án phải thụ lý giải quyết hàng năm là rất lớn và có xu hướng gia tăng, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp, nhưng nhờ chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều giải pháp và tổ chức thực hiện quyết liệt tại tòa án các cấp, nên kết quả giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.
Trong 4 năm (2011-2014) các tòa án đã giải quyết hơn 1,38 triệu vụ án các loại trong tổng số hơn 1,41 triệu vụ án đã thụ lý, đạt 98%; triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, nên chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án giảm dần qua các năm. Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Để nâng cao ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm trong nhân dân, các tòa án đã tổ chức hơn 31.760 phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về công tác xét xử của tòa án.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Tòa án Nhân dân tối cao đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội thông qua 4 Luật, trong đó có Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp cũng như các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân dân.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các tòa án luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nói chung và về công tác tư pháp, cải cách tư pháp nói riêng. Công tác xây dựng ngành, xây dựng nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án các cấp được chú trọng, công tác xây dựng Đảng được quan tâm, chăm lo thường xuyên, cơ sở vật chất kỹ thuật được cải thiện, quan hệ hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Tòa án Nhân dân tối cao kiến nghị tăng biên chế cho tòa án các cấp, ưu tiên kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, trang bị phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với thẩm phán, cán bộ công chức ngành tòa án...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Tòa án, một thiết chế thực hiện quyền lực Nhà nước, có nhiệm vụ chăm lo bảo vệ công lý, là nơi biểu hiện sâu sắc nhất bản chất của Nhà nước, là biểu tượng nền công lý quốc gia.
Tòa án Việt Nam là tòa án của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Với tinh thần cải cách tư pháp thể hiện trong Hiến pháp 2013, hoạt động của tòa án là trọng tâm của công tác tư pháp.
Trong suốt quá trình 70 năm từ khi ra đời, tòa án ngày càng phát triển, trưởng thành, đóng góp rất lớn cho việc bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của nhân dân.
Thay mặt Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu mà tòa án các cấp đã đạt được; đồng thời chỉ rõ: Trong thời gian tới, tình hình đất nước bên cạnh những mặt thuận lợi cơ bản còn không ít khó khăn thách thức, tình hình vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, tội phạm diễn biến phức tạp...
Ngành tòa án cần nhận thức sâu sắc tình hình, quyết tâm khắc phục tồn tại yếu kém, phát huy ưu điểm và những kết quả đã đạt được, nâng cao hơn nữa vai trò, thực hiện thật tốt chức năng nhiệm vụ của mình, xứng đáng là công cụ đắc lực, sắc bén trong việc xử lý các vi phạm, tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân.
Về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trong công tác xét xử phải đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng, giảm mạnh các bản án, quyết định của tòa án có sai sót do chủ quan, bảo đảm các phán quyết của tòa án thực sự công bằng, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, đúng pháp luật, cố gắng không được oan sai, bỏ lọt tội phạm, khắc phục tình trạng các vụ án kéo dài, quá thời hạn xét xử...
Bên cạnh đó, cần tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, công tâm, đúng pháp luật, qua tranh tụng tìm ra chân lý; tập trung hơn nữa vào một số vụ án trọng điểm về phòng, chống tham nhũng, các vụ án lớn, trọng điểm; quan tâm phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm bảo đảm thi hành án, không để dây dưa kéo dài, nhất là việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Trong công tác xây dựng luật pháp, Tòa án cần khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh đã được Quốc hội đưa vào chương trình; đồng thời chú ý tổng kết thực tiễn, kịp thời phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới những dự án luật cần thiết, bảo đảm nội dung và tố tụng theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, từng bước hoàn thiện thể chế về công tác tòa án.
Tổng Bí thư mong muốn tòa án các cấp cần tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp, tạo thống nhất, đồng thuận cao, dân chủ, đúng pháp luật. Tòa án cần quán triệt thực hiện nghiêm phương châm, nguyên tắc: có vụ việc thì phải xác minh rõ, có dấu hiệu phạm tội thì phải được tiến hành điều tra, có kết luận điều tra, phải xem xét truy tố, có cáo trạng, phải được kịp thời nghiên cứu, đưa ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật, đòi hỏi các ngành từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố... bàn bạc phối hợp, trao đổi, thống nhất.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trong công tác xây dựng nội bộ, bao gồm cả xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong các cơ quan quản lý, phải chú trọng giải quyết dứt điểm những hạn chế, khuyết điểm qua kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng đã chỉ ra, tiếp tục thực hiện kiên quyết, kiên trì Nghị quyết quan trọng này.
Tổng Bí thư lưu ý ngành tòa án phải làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kiên toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ cán bộ công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán, chấn chỉnh tác phong lề lối công tác, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ những người làm công tác xét xử, những người cầm cân nảy mực, biểu tượng của nền công lý nước nhà. Mỗi cán bộ công tác trong lĩnh vực tòa án phải công minh, chính trực, đàng hoàng, có đủ trình độ bản lĩnh.
Đặc biệt, người thẩm phán, hội thẩm nhân dân phải công tâm, khách quan, thượng tôn pháp luật, không vì lợi ích riêng tư, không để nén bạc đâm toạc công lý, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư,” gần dân, học dân, hiểu dân, giúp dân và cũng là giúp chính chúng ta.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành tòa án, cũng là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, đây là cơ hội tốt để xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nội bộ ngành thực sự trong sạch vững mạnh, đi sâu vào công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức, công tác cán bộ, phương thức lề lối làm việc, nội bộ đoàn kết thống nhất, đồng thời tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan.
Tổng Bí thư ghi nhận những kiến nghị chính đáng, hợp lý, xuất phát từ thực tiễn của ngành tòa án, đồng thời cho biết, trong đó nhiều vấn đề đã, đang và chuẩn bị được giải quyết, những việc đã có kết luận thì triển khai thực hiện, những việc đang bàn thì cần có sự thống nhất cao./.
Theo TTXVN