Tôn vinh những tấm gương hy sinh thầm lặng

Thứ năm, ngày 23/07/2020

(BDO) Những y, bác sĩ được tôn vinh trong lễ trao giải cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ 5, tối 22/7, là tấm gương tiêu biểu của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế ngày đêm lao động, cống hiến để giành lại sự sống và sức khỏe cho người bệnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải tác giả và nhân vật tác phẩm giải Đặc biệt. Ảnh: VGP

Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội.

Không chỉ xuất hiện trong các bài báo, sự gặp gỡ trực tiếp, lắng nghe chia sẻ, tâm sự của nhiều nhân vật tại buổi lễ đã để lại nhiều cảm xúc khó nói thành lời về những tấm lòng tận tụy, luôn hết mình vì người dân.

Rất nhiều y bác sỹ ở các địa bàn khó khăn là những tấm gương thầm lặng chống lại hủ tục lạc hậu ở các buôn làng, họ là những người dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước người dân nên từ đó tạo được lòng tin yêu của đồng bào và những hủ tục cũng theo đóbị đẩy lùi.

Vợ chồng BS. Nay Blum -Trưởng Trạm y tế xã Glar (huyện Đắk Đoa, Gia Lai), nhân vật trong tác phẩm “Như cổ tích giữa đại ngàn”, đoạt giải Đặc biệt, đượcgười dân địa phương ví họ là cánh chim không mỏi giữa đại ngàn, là người chuyên đi làm “cách mạng” xóa hủ tục, người “nhịn đẻ” vì sự tiến bộ cộng đồng....

Gần 30 năm chạy bộ rồi đi xe đạp, xe máy, vợ chồng bác sĩ Blum tìm đến ăn ở cùng các buôn sâu chữa bệnh giúp họ thấm nhuần triết lí: “Khỏi bệnh là do y học, khỏe mạnh, lớn khôn là do nuôi dưỡng, chăm sóc,giáo dục”.

Trong hành trình bền bỉ, họ “cược” với cộng đồng Tây Nguyên nhận một đứa trẻ sinh non bằng bắp tay, sắp bị đưa đi chôn sống về cứu chữa và nuôi. Cháu bé khỏe, buôn làng phải bỏ hẳn hủ tục. 

Rồi khi biết có ba đứa trẻ mắc bệnh phong, bệnh lao bị ngời dân xua duổi vào núi thẳm, thoi thóp trong đói rét, vợ chồng BS. Blum lại bán nốt chiếc xe máy là của hồi môn để mua sữa và thuốc tốt nhất cứu chữa, nhận những đứa trẻ này làm con. Bằng y học, họ chứng minh rõ “con hủi”, con virus lao không có chân, có cánh bay khắp nơi trong cộng đồng. Nó không phải là “ngọn gió độc” mang “thần chết” reo rắc khắp nơi như mọi người vẫn nghĩ. Tất cả những nạn nhân của hủ tục này giờ đều là con nuôi khỏe mạnh của vợ chồng bác sĩ Blum.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao giải cho tác giả và nhân vật tác phẩm giải Nhất. Ảnh: VGP

Đó còn là câu chuyện của BS. Hồ Văn Hoài, nhân vật trong tác phẩm “Bác sĩ Hồ Văn Hoài, người vác tù và hàng tổng”, đã cùng với đồng nghiệp đến từng nhà thu thập thông tin, lập hồ sơ sức khoẻ cá nhân cho đồng bào dân tộc S’Tiêng và Châu Mạ ở xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. BS. Hồ Văn Hoài đã dùng tiền cá nhân để lắp đặt internet tại trạm y tế xã; Rồi lập website cho trạm y tế xã Phú Lý. Website cập nhật khá đầy đủ thông tin về các dịch bệnh đang bùng phát, kiến thức phổ thông y học và cách tự phòng bệnh; các thông báo của trạm về lịch tiêm chủng, triển khai các chương trình, dịch vụ mới trong khám và điều trị bệnh.

Ngoài ra, còn có đường dây nóng để người dân có thể tư vấn và được giải đáp trực tiếp các thắc mắc liên quan đến bệnh tật; có đường link kết nối với các website của Bộ Y tế, Sở Y tế và Trung tâm y tế huyện... trung bình mỗi ngày có khoảng 300-500 lượt truy cập. Sau đó, anh đã cùng cộng sự xây dựng được phần mềm quản lý sức khỏe của nhân dân địa phương với mã số riêng, người dân có thể xem các thông tin liên quan đến bệnh tật của mình, nhóm máu, tiền sử bệnh của gia đình, từng điều trị những bệnh gì, ở đâu... một cách đầy đủ và chi tiết, giống như hồ sơ bệnh án điện tử hiện nay.

Không chỉ là những tấm gương được tôn vinh trong cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ 5, mà từng ngày, từng giờ đội ngũ các y bác bác sĩ, thầy thuốc vẫn đang chay đua với thời gian, giành lại sự số, sức khoẻ cho người bệnh, lặng lẽ tỏa sáng. Sự cống hiến thầm lặng đó một lần nữa góp phần khẳng định phẩm chất cao đẹp của ngành y như tình thương, sự hy sinh, lòng vị tha, tinh thần nhân ái vẫn, đang và sẽ tiếp tục đồng hành trong ý thức và việc làm hàng ngày của mỗi thầy thuốc.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ngành Y tế vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm, trong đó có việc đổi mới toàn diện và căn bản hoạt động của ngành nhằm nâng cao chất lượng mọi mặt để phục vụ người dân ngày một tốt hơn... Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như tăng cường kỷ cương; đẩy mạnh cải cách; thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết và hỗ trợ giữa các cơ sở y tế, giữa các cán bộ y tế trong toàn tuyến; nâng cao hơn nữa chất lượng, sự thuận tiện trong khám, chữa bệnh để bảo đảm người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở...

Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng lần thứ V" đã nhận được hơn 1.200 tác phẩm tham gia, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 11 giải Ba.

Theo chinhphu.vn