Tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi: Ngành nông nghiệp có nhiều nỗ lực
(BDO) Hiện nay, tại Bình Dương, nghề nuôi cá cảnh là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị đem lại thu nhập cao, phù hợp với thực tế quỹ đất nông nghiệp đang ngày một thu hẹp. Việc công nhận người nuôi cá cảnh là nghệ nhân, thợ giỏi là sự khích lệ để ngành nông nghiệp nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng tại tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.
Nghệ nhân Võ Tuấn Kiệt bên mô hình nuôi cá cảnh. Ảnh: TIỂU MY
Nhiều nghệ nhân cá cảnh được công nhận
Năm 2017, ông Võ Tuấn Kiệt (TP.Thủ Dầu Một) được công nhận là nghệ nhân theo Quyết định số 42/2015/QĐ- UBND của UBND tỉnh. Ông Kiệt đã có 15 năm gắn bó với nghề nuôi cá cảnh, tạo ra nhiều loại cá đẹp, được nhiều người biết đến.
Năm 2015, ông Kiệt được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, được Trung ương Hội Nông dân cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014, giai đoạn 2009-2015 được UBND tỉnh tặng bằng khen. Ông cho biết việc được công nhận là nghệ nhân là sự khích lệ lớn đối với ông cũng như những người nuôi cá cảnh trong tỉnh. Đây là cơ sở tiếp thêm động lực để nghề này phát triển.
Theo Hội đồng xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh, trong quá trình xét duyệt đơn vị rất linh hoạt để giải quyết hợp tình hợp lý, bảo đảm tôn vinh đúng đối tượng, tạo sự khích lệ tinh thần cho người làm nghề. Chẳng hạn như trường hợp ông Hồ Trí Dũng (TP.Thủ Dầu Một). Qua tìm hiểu được biết, ông có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nuôi cá cảnh, tạo ra nhiều loại cá đẹp, được nhiều người trong nghề biết đến.
Ông Dũng kê khai làm nghề từ năm 1995 nhưng UBND phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một chỉ xác nhận ông chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không xác nhận về thời gian làm nghề tại địa phương. Tuy vậy, ông có giấy xác nhận của Hội Cá cảnh Bình Dương làm nghề nuôi cá cảnh trên 10 năm, có thành tích phát triển hội, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng bằng khen. Vì vậy, ông được hội đồng xem xét, công nhận là nghệ nhân. Đây là sự nỗ lực lớn của Hội đồng xét duyệt trong việc tôn vinh kịp thời những người thợ giỏi, công nhận nghệ nhân.
Sớm gỡ vướng
Theo Hội đồng xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh, năm 2017 có 4 hồ sơ gồm 1 hồ sơ sinh vật cảnh (gây trồng hoa lan), 3 hồ sơ nghề đan lát đề nghị công nhận danh hiệu Thợ giỏi tỉnh Bình Dương đều không có điều kiện tham gia hội thi tay nghề, hội chợ triển lãm để có tác phẩm đạt giải đáp ứng theo điều kiện. Tuy nhiên, 4 cá nhân đã nộp đơn đề nghị và được Hội đồng xét công nhận danh hiệu TX.Tân Uyên công nhận tác phẩm đạt trình độ kỹ thuật cao, đáp ứng đủ điều kiện theo Quyết định số 3373/QĐ- UBND ngày 10-5-2017 của UBND thị xã.
Qua tìm hiểu được biết các trường hợp này đều không có hộ khẩu ở Bình Dương. Tuy vậy, theo tiêu chí công nhận thợ giỏi thì cả 4 trường hợp đều đáp ứng tiêu chuẩn theo Quyết định số 42/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Đối với các trường hợp nói trên, đại diện ngành chức năng có ý kiến, mục đích của Quyết định số 42/QĐ-UBND là ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của những nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về địa phương; khuyến khích những nghệ nhân, thợ giỏi tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển nghề nghiệp và thu hút các ngành nghề mới về tỉnh Bình Dương… Chính vì vậy, trong quy định đối tượng xét công nhận là công dân Việt Nam đang hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Do đó, không bắt buộc người đề nghị công nhận phải có hộ khẩu ở Bình Dương.
Tuy vậy, các lý do thực tế cần xem xét, cân nhắc: Nếu người đề nghị công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi tỉnh Bình Dương có sự thay đổi hộ khẩu thường trú qua các giai đoạn thì phải có đầy đủ xác nhận của UBND cấp xã nơi có hộ khẩu thường trú ở từng giai đoạn về việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; thời gian làm nghề tại địa phương; thời gian du nhập nghề đến địa phương hoặc thời gian nghề truyền thống bị mai một ở địa phương. Trường hợp về xác nhận thời gian làm nghề tại địa phương, có thể do UBND cấp xã hoặc hội nghề nghiệp xác nhận.
Nhằm tạo điều kiện cho các nghệ nhân lập hồ sơ xét công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”, đối với những trường hợp không có tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi, hội chợ triển lãm do không điều kiện tham gia các cuộc thi, triển lãm thì người nộp hồ sơ chỉ nộp đơn đề nghị xét tác phẩm đạt trình độ kỹ thuật cao kèm theo thuyết minh tác phẩm để được xem xét, công nhận.
Để chuẩn bị cho lễ tôn vinh, công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”, “Người có công đưa nghề mới về địa phương” trên địa bàn tỉnh năm 2020, các nghệ nhân, thợ giỏi chuẩn bị hồ sơ cá nhân theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Chương IV Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND ngày 30-9-2015 của UBND tỉnh nộp về UBND các huyện, thị, thành phố nơi đang làm việc trước ngày 15-2-2020 để được xét công nhận các danh hiệu theo quy định. Mọi thông tin liên quan và hướng dẫn quy trình, thủ tục xét công nhận danh hiệu, đề nghị liên hệ Phòng Kinh tế hợp tác và Ngành nghề nông thôn - Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương. Địa chỉ: Số 60, đường Lê Thị Trung, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một. Điện thoại: (0274) 3.838.119; Fax: (0274) 3.822.506; Email: ccptntbd@ binhduong.gov.vn. |
TIỂU MY