Tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi: Góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề
(BDO)
Thời gian qua, hoạt động của các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Biểu dương và tôn vinh
Bình Dương được biết đến là cái nôi của làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Nam bộ, với các nghề truyền thống như sơn mài, chạm trổ điêu khắc, gốm sứ, làm heo đất, mây tre đan, sản xuất nhang, làm bánh tráng, sản xuất guốc... cùng với đó là các ngành nghề mới như sinh vật cảnh đang ngày càng phát triển. Các ngành nghề này đã và đang đem lại những tác phẩm nghệ thuật có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Mô hình cây cảnh bonsai của ông Lê Văn Ngọc (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát)
Năm 2017, nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của những nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về Bình Dương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 42/2015/QĐ- UBND ngày 30-9-2015 (Quyết định số 42) quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”, “Người có công đưa nghề mới về địa phương” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2017, UBND tỉnh đã công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương” cho 16 cá nhân và danh hiệu “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương” cho 6 cá nhân trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn (gồm sơn mài, sinh vật cảnh, mây tre đan, điêu khắc). Việc công nhận tiến hành 3 năm/lần.
Bảo tồn, phát triển
Bà Đặng Như Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, để chuẩn bị cho lễ tôn vinh, công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương” trên địa bàn tỉnh năm 2020, các nghệ nhân, thợ giỏi đã nộp hồ sơ cá nhân theo Quyết định số 42 của UBND tỉnh. Theo đó, các nghệ nhân, thợ giỏi nộp về UBND các huyện, thị, thành phố nơi đang làm việc trước ngày 15-2-2020. Việc tôn vinh, công nhận với mục đích khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển nghề nghiệp, thu hút các ngành nghề mới, khôi phục nghề truyền thống đang bị mai một tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương. Đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề truyền thống, thu hút khách du lịch.
Mô hình trồng lan cắt cành của bà Nguyễn Hồng Diệu (phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát)
Chi cục Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Hội đồng công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”, “Người có công đưa nghề mới về địa phương” trên địa bàn tỉnh. Chi cục đã tiếp nhận 31 hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân, thợ giỏi tỉnh Bình Dương. Trong đó, có 29 hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu Nghệ nhân tỉnh Bình Dương, 2 hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu thợ giỏi. Các danh hiệu xét đề nghị xét công nhận hoạt động trong các ngành nghề, gồm: Sinh vật cảnh, hoa quả tạo hình, nuôi cá cảnh, nghề sơn mài, điêu khắc gỗ mỹ nghệ. Hội đồng cũng đã thông qua danh sách 31 hồ sơ và tiến hành bỏ phiếu để công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”. Kết quả, có 26 hồ sơ được công nhận “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, 4 hồ sơ được công nhận “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”.
Danh sách công nhận “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương” năm 2020
THOẠI PHƯƠNG