Tôn vinh, đồng cảm, chăm lo
(BDO) Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, trên các phương tiện truyền thông đã nói nhiều đến việc tôn vinh cán bộ, nhân viên ngành y. Hơn thế nữa đó là truyền thống cao đẹp của người dân Việt từ ngàn đời nay dành cho người thầy thuốc, bởi họ đã cống hiến, hy sinh cho sức khỏe nhân dân không một chút toan tính với tinh thần “Lương y như từ mẫu”.
Không cần phải nhắc đến nhiều bởi sự hy sinh, cống hiến vô cùng lớn của cán bộ, nhân viên ngành y dành cho sức khỏe người dân trong cả nước từ bao năm qua. Người dân cả nước, các tổ chức, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở ghi nhận, đánh giá cao sự hy sinh thầm lặng đó. Minh chứng gần nhất, rõ nét nhất mà ai ai cũng nhìn thấy, cảm kích, trân trọng, biết ơn chính là vào những thời điểm cam go nhất của dịch bệnh trong hơn hai năm trời vừa qua. Bởi vậy, tôn vinh họ - những cán bộ, nhân viên ngành y là điều không có gì phải bàn luận thêm.
Người viết thiển nghĩ rằng, sau những hoạt động tôn vinh, cán bộ, nhân viên ngành y trong cả nước cần lắm sự đồng cảm, hiểu rõ trách nhiệm, sự hy sinh không toan tính mà họ đã thể hiện trong công tác của mình. Nhận lãnh sứ mệnh cao cả là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, họ dấn thân, quên mình vì sinh mạng người dân dù biết gian lao, nguy hiểm chực chờ.
Vòng xoáy dịch bệnh xuất hiện ở miền Bắc, cán bộ, nhân viên ngành y miền Nam chi viện. Vòng xoáy dịch bệnh xuất hiện ở miền Nam, cán bộ, nhân viên ngành y miền Bắc lên đường. Tất cả không cần phải nói nhiều lời, nhưng tin rằng ai ai cũng cảm thấu, khắc ghi. Với họ - những cán bộ, nhân viên ngành y cần sự thấu hiểu và đồng cảm, để họ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của nghề. Nói vậy là bởi, trong suốt quá trình chống dịch, đâu đó vẫn xuất hiện những hình ảnh phản cảm, lời nói không hay, xúc phạm, gây cản trở, khó khăn với người thầy thuốc không đáng có.
Sau tôn vinh, đồng cảm, cán bộ, nhân viên ngành y hẳn rằng cần có sự chung tay chăm lo, từ vật chất đến tinh thần để họ có thêm điều kiện gắn bó với nghề, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thầy thuốc, ngoài sứ mệnh cao cả mà họ đang thực hiện, đằng sau vẫn là một con người như bao con người trong xã hội, cũng bận tâm đến cuộc sống bản thân, gia đình với bao nỗi lo toan thường nhật. Chăm lo cơ bản nhất vẫn là những chế độ, chính sách trong khuôn khổ cho phép, đúng, đủ, kịp thời. Bên cạnh là sự quan tâm trên tinh thần sẻ chia, hỗ trợ, bù đắp cho những gì mà họ cống hiến, hy sinh cho người bệnh, cho nhân dân bởi nghề nghiệp đòi hỏi.
Vì sức khỏe nhân dân họ cống hiến, hy sinh. Bù đắp phần nào cho sự hy sinh đó, xã hội cần thấu hiểu để chăm lo, đồng cảm, tôn vinh là lẽ thường tình.
TRIỆU PHONG