Tôi kể chuyện đời sông
(BDO) Chả biết từ bao giờ tôi có thói quen ngắm sông Sài Gòn khi chiều đang dần buông phía bên kia thành phố. Đứng bên này sông, tôi lặng mình bên dòng sông dưới bến phà An Sơn (TP. Thuận An), nhìn dòng người vẫn vội vã trong guồng quay của cơm áo gạo tiền rồi thơ thẩn nhìn về phía đôi bờ, nơi ánh hoàng hôn dường như bất lực trước sức mạnh của bóng đêm mà nghĩ chuyện đời sông .
Cảng An Sơn, Bình Dương nhìn từ phía Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh
Trong thời khắc chập choạng của sáng tối, sông Sài Gòn đẹp hơn bao giờ hết. Tiếng hát vọng về từ những mái lá bên kia sông khu vực bến phà An Sơn lắng dịu hồn người Nam bộ. Đồng hồ điểm 6 giờ tối, cái ồn ào náo nhiệt dường như lắng xuống, tiếng ca lấn át cả một khúc sông. Bến phà An Sơn vẫn tấp nập người xe qua lại. Bên bãi vắng, vài bóng người vẫn tư lự ôm cần câu trên bến như cơ hồ có vài nỗi niềm riêng. Ở cái xứ này, để kiếm một ngày thong thả thật là khó khăn. Đồng hồ vẫn đều đặn chạy 24 giờ một ngày, thế nhưng cuộc sống vội vã, bon chen khiến người ta cảm thấy ngần ấy thời gian chẳng thấm tháp gì. Vậy mà sông vẫn nằm đấy, kiên nhẫn chuyện đời mình. Để rồi cứ mỗi bận nhìn sông, tôi cơ hồ như thao thức cùng sông chuyện phát triển đôi bờ.
Sông nằm đó, in hình bao dòng phát triển. Lòng sông rộng lớn, bao dung bao chuyện nhớ quên. Và mỗi lần đi trên lối hẹn, trong lòng nhiều người chắc sẽ trăn trở câu chuyện làm thế nào để sông Sài Gòn phát triển xứng tầm với tiềm năng và lịch sử của vùng đất Đông Nam bộ. Và trong tôi, một người dân Bình Dương luôn túc trực ý nghĩ bao giờ Bình Dương phát triển giao thông thủy, du lịch đường sông và xây dựng hình ảnh đô thị xanh gắn với sông nước, tháo điểm nghẽn để khai thác tiềm năng kinh tế dịch vụ ven sông?
Ngược lối nhìn vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, cơ cấu kinh tế Bình Dương sẽ chuyển dịch dần sang hướng thương mại - dịch vụ. Việc phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn đã được lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ định hướng rõ ràng. Trong tương lai, ven sông Sài Gòn sẽ phát triển mạnh những trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch sinh thái, đô thị sinh thái... mang tầm vóc khu vực. Bình Dương đặc biệt chú trọng tôn tạo cảnh quan ven sông Sài Gòn, tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm văn hóa bản địa, nhất là gắn kết triệt để với vườn cây ăn trái Lái Thiêu để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, “bắt” sông Sài Gòn phải “sinh sôi” ra nhiều cơ hội làm ăn hơn nữa, mà người thụ hưởng trước hết là người dân sống ven sông. Bắt đầu từ cửa ngõ Thuận An, dòng sông thơ mộng cùng với vườn cây ăn trái ở Thuận An sẽ là điểm nhấn thu hút khách tham quan, mua sắm. Chỉ cần làm tốt giao thông đường thủy, Bình Dương sẽ mở toang cánh cửa, tạo ra cơ hội lớn cho kinh tế du lịch phát triển và thay đổi bộ mặt xã hội theo hướng tích cực, bền vững, đề cao việc bảo vệ môi trường.
Từ Lái Thiêu lên Dầu Tiếng có độ dốc nhỏ nên rất thuận lợi cho giao thông đường thủy. Đặc biệt, dọc theo sông Sài Gòn có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh như Đền Bến Dược (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), Bến Súc (Dầu Tiếng), đình thần Bà Lụa (TP.Thuận An), lòng hồ Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, những khu vực gần sông Sài Gòn qua địa bàn tỉnh Bình Dương còn có các làng nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc mộc, mây tre đan… cùng vườn trái cây Lái Thiêu nổi tiếng rất thuận lợi để phát triển ngành du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, mang Bình Dương và những văn hóa đặc sắc đến với bạn bè, du khách phương xa.
Để bảo vệ và tôn tạo giá trị của dòng sông, trong định hướng phát triển kinh tế, mỗi người dân Bình Dương dặn mình phải có cách ứng xử hài hòa với sông nước. Mỗi lãnh đạo tỉnh đều tâm huyết câu chuyện cần những bước đi chắc chắn, có cách ứng xử hài hòa giữa đô thị và sông nước, để trong tương lai gần, một đô thị với diện mạo văn hóa khác biệt, in đậm bản sắc riêng sẽ soi bóng trên dòng sông xanh.
Báo Bình Dương đang phát động cuộc thi tác phẩm báo chí về chủ đề “Tôi yêu Bình Dương” lần 2 - năm 2023. Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi, mời quý độc giả quét mã QR:
|
TIỂU MY